Phải làm rõ “Đường Nhuệ” có được "bảo kê" hay không?
Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”, khởi tố bị can, bắt tạm giam vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") cùng 4 bị can khác.
Ngay sau khi băng nhóm này bị bắt giữ, dư luận và báo chí phản ánh ổ nhóm này dưới sự cầm đầu của đại ca Đường "Nhuệ” đã thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, như hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Đặc biệt, là những hành vi sai phạm về đấu giá đất đai.
Cũng liên quan tới vụ việc này, mới đây, 4 cán bộ tỉnh Thái Bình đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có dấu hiệu về sự tiếp tay cho Đường "Nhuệ”.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, qua thông tin báo chí và dư luận phản ánh, có thể thấy vụ án Đường "Nhuệ” có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen” núp bóng dưới dạng doanh nghiệp.
“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự coi thường pháp luật. Người dân đã đến trụ sở công an rồi mà băng nhóm này vẫn vào đấy để đánh người được thì câu hỏi lớn được đặt ra là cơ quan công an và cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu?”, ông Tiến đặt câu hỏi.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, chắc hẳn phải có lực lượng nào đứng đằng sau bảo kê thì Đường "Nhuệ" mới dám ngông cuồng, coi thường luật pháp đến như vậy. "Tôi đánh giá cao việc Công an tỉnh Thái Bình đã bắt và khởi tố vợ chồng Dương Đường và đồng bọn. Dù phần nào đó có muộn mằn, nhưng đã vào cuộc xử lý, cũng rất đáng hoan nghênh”, ông Tiến nói và nêu quan điểm, việc tiếp theo là cần bóc tách những tên tội phạm và trách nhiệm của cơ quan công quyền để có hướng xử lý nghiêm vụ án.
“Thứ nhất là xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm Đường "Nhuệ”. Thứ hai là xử lý không có vùng cấm những tổ chức, cá nhân bảo kê cho vợ chồng Dương Đường. Nếu có sự việc cơ quan công quyền biết những việc làm “tác oai, tác quái” của vợ chồng Đường "Nhuệ" mà không xử lý thì quả thật là rất nguy hiểm, chính những cơ quan, tổ chức, cá nhân đó còn “tác oai, tác quái” hơn Đường "Nhuệ”, ông Tiến nêu quan điểm.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, người đứng đầu cơ quan tổ chức ở địa phương phải chịu trách nhiệm khi để tội phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động theo hình thức xã hội đen lộng hành.
“Vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và ai là người bảo kê cho Đường "Nhuệ”. Chỉ có làm rõ ràng như vậy thì mới lấy lại lòng tin của nhân dân”, ông Tiến cho hay.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cũng cho rằng, những hoạt động phạm tội theo kiểu xã hội đen cần phải loại bỏ, nếu không làm nghiêm túc thì rất dễ đánh mất lòng tin của nhân dân.
“Hoạt động theo kiểu xã hội đen kéo dài nhiều năm như vậy thì không thể chấp nhận được. Điều này khiến người dân nơm nớp lo sợ, đến mức không ai dám tố cáo. Dù sự việc ở tỉnh Thái Bình, nhưng nhân dân cả nước và cử tri ở các địa phương rất mong rằng những việc làm của Đường "Nhuệ” và những người liên quan sẽ được điều tra, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm như lời của vị Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình”, bà An nói.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng đề nghị công khai danh tính, điều tra những cơ quan, tổ chức cá nhân bảo kê cho Đường "Nhuệ” (nếu có).
“Những người đứng đầu ở Thái Bình phải có trách nhiệm trong việc điều tra xử lý những sai phạm của Đường "Nhuệ”. Không những vậy, cái mà nhân dân đang mong chờ đó là tìm ra thế lực bảo kê cho Đường "Nhuệ". Nếu những tố cáo của người dân về Đường "Nhuệ” là đúng thì trách nhiệm để xảy ra sự việc như vậy thuộc về người đứng đầu của tỉnh Thái Bình”, bà An nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận