Thời sự

"Nhà báo" của những mảnh đời bất hạnh

20/06/2016, 15:18

Trung úy Hải đã trở thành “nhà báo” của những mảnh đời bất hạnh, cứu giúp không biết bao nhiêu hoàn cảnh nghèo.

A2

Trung úy Hải trong một lần tặng quà cho vợ chồng anh Trần Ngọc Tâm ở thị trấn Quảng Phú (Cư Mgar), có hoàn cảnh bị câm điếc bểm sinh nuôi con nhỏ. 

Trung úy Nguyễn Trung Hải hiện đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk). Chưa từng học qua trường lớp nhưng bằng niềm say mê nghề và tinh thần của người lính cụ Hồ, trung úy Hải đã tập tành viết lách, làm cầu nối giữa báo chí và các Mạnh Thường Quân để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Duyên, nợ... với nghề báo!

Cuối tháng năm, trong một buổi chiều mưa tầm tã, tôi có dịp ghé Bệnh xá 48 – thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, thăm Trung úy Nguyễn Trung Hải. Được biết, anh nhập viện cấp cứu vào đêm 21/5 khi đang trực gác đảm bảo an ninh cho bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Trong căn phòng nhỏ, những chiếc giường bệnh toàn màu vải lính, Trung úy nằm ở chiếc giường số 1, thấy có khách đến thăm, anh chồm dậy tựa lưng vào tường tiếp chuyện. Hơn 11 ngày nằm viện, trên khuôn mặt rám nắng của anh hiện rõ nét xanh xao.

Trung úy Hải là người dân tộc Tày, khi vừa lên 8 tuổi, anh theo gia đình từ Cao Bằng vào Tây Nguyên lập nghiệp. Vì mê màu áo lính, học hết lớp 12, anh gấp lại giấc mơ giảng đường Đại học, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Hai năm, trong lính anh đóng quân ở Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk. Sau những ngày tháng rèn luyện trong bộ đội, anh được cấp trên tin tưởng và giữ lại phục vụ lâu dài trong quân đội.

Năm 2010, Trung úy được điều về Ban chỉ huy quân sự huyện Cư Mgar phụ trách công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Từ đây, sau những chuyến đi cơ sở, cùng ăn cùng ở với dân, anh bắt gặp không biết bao hoàn cảnh đẫm nước mắt. Đó là cảnh, những đứa trẻ côi cút mồi côi, cha mẹ tâm thần nuôi con, cụ già neo đơn, trẻ nghèo học giỏi,... Những hoàn cảnh rơm rớm nước mắt ấy, anh đã góp nhặt lại trong cuốn sổ kí. Sau đó, anh tập tành viết bài gửi cộng tác cho các báo như, Báo Đắk Lắk, Báo Tiền Phong, Báo Quân đội nhân dân,... nhằm kêu gọi lòng hảo tâm.

Thật bất ngờ, sau mỗi trang báo đăng, nhân vật của anh được giúp đỡ trên cả sự mong đợi. Dần qua năm tháng, Trung úy Hải đã trở thành ngòi bút của vô vàn hoàn cảnh nghèo cần được giúp đỡ. Người người gọi Trung úy Hải là “Nhà báo” của những mảnh đời bất hạnh, anh đã trở thành nhịp cầu nối giữa các mệnh thường quân và cảnh đời nghiệt ngã.

Viết báo làm từ thiện!

Ngoài trời, mưa mỗi lúc một to, tôi và Trung úy có thêm thời gian để trò chuyện. Anh kể cho tôi nghe về bài báo đầu tay anh viết. Đó cũng là kỉ niệm đáng nhớ nhất, đưa anh đến và gắn bó với nghề báo. Anh chia sẻ: “Tôi đến với nghề báo, âu cũng là cái duyên, cái số với đời để giúp đỡ những con người bất hạnh. Năm 2014, khi đó tình cờ trong chuyến đi tặng quà Tết cho đồng bào ở buôn H’mông (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar), tôi phát hiện hoàn cảnh của 5 đứa trẻ (đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 6 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống trong túp liều lụp sụp. Bố mẹ chúng vì giận nhau đã tự tử, bỏ lại 5 anh em tự chăm sóc nhau, sống cảnh đói khát, quần áo rách tả tơi”.

Trung úy kể: "Thời gian trao quà diễn ra thật chóng vánh, rồi tôi cùng đoàn công tác rời buôn H’mông. Trên đường về, hình ảnh 5 đứa trẻ ám ảnh mãi trong tôi. Sau Tết, tôi tranh thủ ngày chủ nhật, một mình chạy xe máy quay trở lại ngôi nhà 5 đứa trẻ. Giữa trưa nắng, 5 đứa trẻ nhem nhút đi gùi nước từ suối về, trên tay cầm bó rau rừng để thổi cơm. Nhìn hình ảnh đó, tôi không cầm được nước mắt. Tôi hỏi thăm những đứa trẻ tội nghiệp và lấy thông tin, hình ảnh về chúng. Tôi trở về nhà khi trời vừa tối. Ngay trong đêm tôi miệt mài viết, lấy tên cho bài báo “Năm chị em mồ côi cần được giúp đỡ” gửi cộng tác cho Báo Tiền phong.

Sau một ngày báo đăng, Ban đại diện Báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên, nhận được rất nhiều tấm lòng của Mạnh Thường Quân mong muốn được giúp đỡ. Trong đó, có Binh đoàn 16 thuộc Bộ Quốc Phòng đã tự nguyện cưu mang 5 đứa trẻ. Binh đoàn đưa 5 đứa trẻ về chăm sóc và đã xây dựng ngôi nhà trị giá 450 triệu ngay trên đất của đơn vị để các em ở. Hằng ngày, cử một người chăm sóc, mỗi tháng còn chu cấp cho 5 đứa trẻ hơn 10 triệu đồng.

Binh đoàn hứa khi những đứa trẻ lớn lên, đứa nào ước muốn theo quân đội sẽ nhận vào đơn vị, đứa nào muốn học tập hoặc theo con đường khác Binh đoàn sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Như vậy, 5 đứa trẻ được cứu sống”.

Kể tới đây, giọng người lính nghẹn ngào. “Lúc viết, tôi nghĩ chỉ mong giúp đỡ được các cháu vài cân gạo, vài bộ quần áo ấm và vài trăm ngàn đồng cho người bệnh mua thuốc thôi. Nhưng mỗi bài báo của tôi đã trở thành chiếc cầu nối giúp những cảnh đời khó khăn, thắp thêm hy vọng cho họ”.  

Sau niềm vui hân hoan ấy, lần lượt hàng chục tác phẩm với những cảnh đời nghiệt ngã khác nhau được Trung úy Hải viết gửi công tác trên Báo Đắk Lắk, Báo Tiền Phong như: “Cháu mồ côi ở với dì tâm thần”, “Ba cháu khốn khổ bị bỏ quên”, “Chút ánh sáng cuối cùng cho bố con anh Thực”, “Hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng già nuôi cháu nhỏ, con gái tâm thần”, “Hai mẹ con bất hạnh cần giúp đỡ”, “Một gia đình chính sách cần giúp đỡ xây dựng nhà ở”, “Hai anh em vượt khó học giỏi”,... Và đã được rất nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

Ngòi bút từ thiện của người lính!

Được bạn đọc yêu mến, khi có thông tin về cảnh đời bất hạnh liền gọi về cho “Nhà báo” Hải nhờ anh viết bài từ thiện. Anh tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ đến lấy thông tin hình ảnh và viết bài xin đăng trên các báo để kêu gọi bạn đọc và các cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức trên địa bàn huyện giúp đỡ nhân vật kịp thời. Sau khi báo đăng, anh tiếp tục chia sẻ trên facebook cá nhân mong nhận được nhiều tấm lòng nhân ái.

Trong 5 năm qua, Trung úy Hải đã trực tiếp viết bài gửi đăng trên các báo và làm cầu nối giữa báo chí với các Mạnh Thường Quân giúp đỡ trên 200 gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, với số tiền trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, đã xây dựng được 5 căn nhà tình thương trên địa bàn huyện với số tiền hơn 500 triệu đồng cho các nhân vật trong bài báo như: gia đình thương binh Y Hat Rya (nhân vật trong bài viết “Một gia đình chính sách cần giúp đỡ xây dựng nhà ở”); Gia đình bà Đỗ Thị Bảy ( nhân vật trong bài viết “Hoàn cảnh éo le của hai bà cháu bất hạnh”; Bà Phạm Thị Quê (nhân vật trong bài viết “Chồng thót tim cõng vợ bại liệt băng qua cầu ọp ẹp mỗi ngày”),...

Trung úy Hải còn thổ lộ: “Để có kế hoạch giúp đỡ người nghèo lâu dài, tôi và cả nhóm từ thiện thống nhất trao “cần câu cơm” chứ không tặng “cá” như thời gian đầu, ăn xong là hết. Theo kế hoạch, mỗi suất quà khoảng 2 triệu đồng gồm một cặp lợn giống, vài chục ký gạo hoặc vài trăm ngàn đồng để họ có tương lai lâu dài phía trước”.

Trong 5 năm qua, Trung úy Nguyễn Trung Hải đã được các cấp tặng nhiều giấy khen, danh hiệu. Đặc biệt, trong năm 2014 và 2015 hai năm liền được Huyện ủy tặng Giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Ủy ban nhân dân huyện và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua. Ngoài ra, Trung úy Hải được Báo Đắk Lắk tặng Giấy khen Cộng tác viên xuất sắc năm 2014; Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Đắk  Lắk tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ Thập đỏ năm 2015. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.