Võ sư Lương Ngọc Huỳnh với bản kinh giải Thái Thuế và chiêu tài do ông biên soạn |
Ông Huỳnh phân tích theo quan niệm cổ xưa của ông cha ta, 60 thái tuế tương ứng với 60 hoa giáp và các sao hạn như Thái Bạch, La Hầu, Vân Hán…
Về nguyên tắc, các vị tinh tuế trên trời nằm dưới sự cai quản của của Chân Vũ Đại Đế hay còn gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ, nơi thờ ngài ở đền Quán Thánh, Ba Đình Hà Nội. Và chỉ duy nhất Huyền Thiên Trấn Vũ mới giải được Thái Tuế và Sao hạn. Ngoài những nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ như đền Quán Thánh, chúng ta có thể lập giàn lễ ở ngoài trời. Tất cả các nghi lễ khác không có giá trị trong việc hoá giải thái tuế và giải sao. Ngay cả việc dâng sao giải hạn trong nhà chùa - khá phổ biến hiện nay là chưa đúng với tinh thần của Phật giáo.
Cũng theo ông Huỳnh, ông đang giữ nhiều cuốn sách cổ của Việt Nam ghi chép về lề, nghi lễ giải hạn, bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Trong đàn lễ giải hạn Thái Tuế, giải hạn sao hoặc Chiêu tài phải có 3 nghi lễ. Thứ nhất là bàn lễ vật để lễ kính thiên gồm hoa quả, xôi, dê tế thần hoặc gà trống trắng. Thứ hai là bàn lễ phép, đặt các phép thuật của thiên giới. Ngoài ra phải có Kinh để giải hạn – là đủ tên của các vị quản lý Thái Tuế ở thiên giới. Khi cầu giải hạn ở Thiên giới phải cầu Thượng đế, Đông Phương nam đế, Tây phương Bạch đế, các vị cửu thiên huyền nữ… và cầu đến 60 vị quản lý Thái Tuế, là các vị thần tiên trên trời. Trong sách cổ Việt Nam đề cập đến nhiều vị thần tiên và vị thánh Việt Nam, như đức thánh Tản Viên, Hoàng Thành, Linh Lang, Ngũ lôi sứ giả…
Bởi vậy, trên cơ sở đó, ông Lương Ngọc Huỳnh cho biết, sẽ tổ chức lễ giải thái tuế và giải hạn sao, đồng thời làm lễ chiêu tài theo đúng nghi thức mà ông cha ta đã lưu truyền từ nhiều đời, vào lúc 9h sáng ngày 19 tháng giêng năm Mậu Tuất (tức ngày 6 tháng 3 năm 2018) tại Đền Quán Thánh Hà Nội.
"Tôi sẽ làm lễ cho nhân dân hàng năm vào sáng mùng 9 tết âm lịch tại đền Quán Thánh. Năm nay do việc chuẩn bị lần đầu không kịp nên tôi làm lễ vào ngày 19 tháng giêng", ông Huỳnh nói và cho biết, ông đã cử người xin phép ban quản lý đền Quán Thánh và trực tiếp xin phép lãnh đạo sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội.
Ông Huỳnh trân trọng mời các nhà nghiên cứu văn hoá, tâm linh và những người quan tâm đến dự nghi lễ này.
Ông cũng nhấn mạnh đã chuẩn bị lễ vật chu đáo và đầy đủ, tất cả mọi người tham gia không phải đóng góp hoặc mua sắm gì.
Ông Huỳnh lưu ý, để được giải hạn, bên cạnh thực hiện nghi lễ, quan trọng nhất là mỗi người cần giữ thân, giữ tín, giữ khẩu. Có nghĩa là giữ gìn đừng để sa đọa, bê tha, cờ bạc; đừng làm điều gì vi phạm các quy ước xã hội. Đồng thời, chấp hành nghiêm Luật Tam giới: luật trời, luật người, luật đất. Đừng báng bổ, xúc phạm thần tiên, chấp hành pháp luật nhà nước; có hiếu với ông bà, cha mẹ; không động chạm mồ mả, tín ngưỡng… Khi đó, mỗi người đã tự giải hạn cho chính mình.
Với một số quan niệm, giới hạn độ tuổi giải hạn (như người già trên 70 tuổi hay trẻ em dưới 13 tuổi…), ông Huỳnh nêu quan điểm, con người không ai hoàn thiện, vậy nên đều có thể giải hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận