Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đưa ra ý kiến xung quanh câu chuyện kê khai tài sản và việc giám sát, quản lý kê khai tài sản của cán bộ, công chức. |
Ông Đạt hiện đang là trưởng đoàn thanh tra nguồn gốc tài sản của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, em trai Bí thư đương nhiệm của tỉnh này. Việc thanh tra được tiến hành sau khi báo chí, dư luận thông tin về biệt phủ “khủng” mà gia đình ông Quý đang sở hữu.
Phân cấp rõ ràng mới quản lý được tài sản cán bộ
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về dấu hiệu vi phạm của một số cán bộ vừa qua cho thấy, không ít người kê khai tài sản không trung thực, gian dối. Dù đã có quy định nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng này, thưa ông?
Chúng ta có quy định kê khai tài sản từ năm 2007 nhưng chỉ với một nguyên tắc “tự kê khai - tự chịu trách nhiệm”, tức là để kê khai trên tinh thần tự giác. Sau đó, quyết liệt hơn mới có Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị và gần đây nhất là Luật Phòng chống tham nhũng đã có những quy định cụ thể hơn.
Dù có sự tiến triển như vậy, nhưng việc này vẫn còn hình thức. Vì vậy, bây giờ phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cấp, nếu phát hiện ra phải xử lý nghiêm. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, nhưng chủ yếu do cách ta tổ chức thực hiện, còn hình thức trong kê khai, kê khai rồi để đó mà không giám sát, không phát hiện được sai phạm.
Phải thừa nhận còn nhiều bất cập mà tới đây cần xem xét sửa đổi. Ví dụ như, có ý kiến cho rằng, đối tượng kê khai của ta rộng quá, nên không thể quản lý hết được bản kê khai hay tài sản, tiền mặt của đối tượng kê khai.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 85 về kiểm tra, giám sát tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ông đánh giá việc này có ý nghĩa như thế nào? Nếu làm tốt có hạn chế được tình trạng như ông vừa nêu?
Việc quy định cụ thể hơn việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý rất có ý nghĩa, nếu làm tốt thể hiện rõ hơn và nhằm thực hiện tốt hơn tinh thần Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị trước đó về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kê khai tài sản.
Quy định đó làm tốt sẽ khắc phục được những bất cập, những sơ hở mà hiện nay chúng ta đang gặp phải. Nó cũng gắn trách nhiệm rõ ràng hơn của đối tượng quản lý. Trước kia sự phân cấp còn chung chung, chưa cụ thể, giờ đã rõ hơn là 1.000 cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý thì việc kê khai tài sản của các đội tượng này phải do Ủy ban Kiểm tra T.Ư chịu trách nhiệm quản lý. Ngoài những đối tượng do T.Ư quản lý, Luật Phòng chống tham nhũng đang sửa đổi theo hướng với những cán bộ Nhà nước thì tới đây Chính phủ phải chịu trách nhiệm quản lý.
Như ông nói, có ý kiến cho rằng, hiện đối tượng thuộc diện kê khai tài sản rất rộng nên khó quản lý. Vậy, theo ông ta có nên thu hẹp lại, chẳng hạn như chỉ quy định cán bộ cấp trưởng phòng thuộc sở, cấp vụ trở lên mới phải kê khai?
Vấn đề quan trọng nhất là trách nhiệm giám sát, quản lý kê khai. Giờ ta đang sửa luật, phải chờ xem tới đây Quốc hội có thông qua không. Ngoài đối tượng Đảng quản lý, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng trình lên đề nghị Thanh tra Chính phủ quản lý kê khai tài sản của cán bộ cấp từ vụ phó trở lên. Ở cấp tỉnh, địa phương thì quản lý từ giám đốc, còn phó giám đốc trở xuống giao cho địa phương quản lý. Nhưng, hiện đang chờ xem Quốc hội có thông qua hướng đó không. Còn nếu phân cấp như bây giờ rất chung chung, không thể nắm được.
Hiện, trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đang đề nghị sửa quy định kê khai tài sản theo hướng để Thanh tra Chính phủ là trung tâm quản lý, xác minh những tài sản của diện đối tượng do Chính phủ quản lý, có chức vụ từ vụ phó, vụ trưởng, giám đốc ở các địa phương trở lên. Còn T.Ư thì Đảng quản lý từ cấp thứ trưởng trở lên. Chính phủ đã cơ bản đồng ý hướng này, chỉ còn chờ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới”. Ông Phạm Trọng Đạt |
Tài sản 10 tỷ từ nuôi lợn, gà - Lấy đâu ra lắm thế?
Lâu nay, thường chỉ khi nào có đơn thư tố cáo, cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện kê khai mới chỉ đạo làm rõ. Hiện, cũng chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu. Liệu có phải vì thế mới có chuyện nhiều người giải trình tài sản "khủng" được hình thành từ những lý do “chăn lợn, nuôi gà”?
Theo quy định, khi có điều kiện, dấu hiệu, ví dụ như kê khai có dấu hiệu bất hợp lý, tài sản tăng bất thường mới có căn cứ để xem xét. Hoặc khi có đơn tố cáo về tài sản, có vấn đề gì trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cần xác minh, thẩm định để đánh giá cán bộ thì mới có căn cứ để kiểm tra. Còn hầu hết là việc kê khai tài sản đều do tự nguyện, tự giác, cho nên không thể kiểm tra hết được.
Tới đây sửa luật, chúng tôi cũng đề nghị những diện cán bộ trước khi được bổ nhiệm, cất nhắc thì bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện đề bạt, không để như trước kia nữa, cứ đề bạt chứ không quy định gì về việc kê khai tài sản. Giờ phải theo hướng nếu không trung thực trong kê khai thì không đủ điều kiện bổ nhiệm, đề bạt.
Ông nghĩ sao mỗi khi có khối tài sản khủng của cán bộ, lãnh đạo được báo chí và nhân dân phản ánh thì lại xuất hiện những giải thích do làm xe ôm, nuôi lợn, gà mà có, như những gì vừa diễn ra?
Lâu nay, quy định yêu cầu mỗi khi tài sản tăng, giảm bất thường mới yêu cầu phải giải trình nguồn gốc. Ví dụ như tài sản biến động tăng từ 50 triệu đồng trở lên thì phải giải thích. Tài sản của cán bộ công chức tăng lên, có thể do kinh doanh hoặc làm việc này, việc khác, cũng có thể do bán nhà, đất, do bố mẹ để lại… Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì cũng phải giải trình rõ ràng để có căn cứ cho người ta xem xét rằng, với khối tài sản như vậy, giải trình về nguồn gốc tài sản của anh như thế có hợp lý không. Chứ anh có 10 tỷ đồng mà bảo đi nuôi lợn, gà thì tài sản lấy đâu mà lắm thế? Giải thích cho xong, không hợp lý thì không ai chấp nhận được.
Nguồn gốc tài sản của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý đang bị thanh tra. |
Đề xuất người thân, họ hàng cán bộ cũng phải kê khai tài sản
Hiện, có thực tế cán bộ công chức, lãnh đạo thường chuyển tài sản cho vợ, con, họ hàng. Nhưng quy định về mặt pháp luật lại chưa điều chỉnh được việc này nên mới có chuyện cán bộ giàu, nhưng tài sản đứng tên lại toàn của vợ, con và người thân?
Đúng thế. Nếu tài sản ấy của bố mẹ cho thì tất nhiên phải kê khai, nhưng thực ra nếu họ không kê khai, với quy định của ta vẫn rất khó phát hiện. Tới đây, luật sửa đổi đang theo hướng tăng cường kiểm soát, quản lý đối tượng cần kê khai. Giờ cũng có nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng đối tượng kê khai là vợ, con, người thân của cán bộ công chức, nhưng cũng lại có người nói rằng, mở rộng quá sẽ không quản lý được, nên ta cần xem xét kỹ.
Nhưng với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, phải quy định cả đối tượng người thân của cán bộ cũng phải kê khai tài sản, bởi thực tế có chuyện chuyển tài sản cho người thân.
Mặt khác, khi có tình trạng kê khai tài sản không hợp lý, kê khai sai, ta vẫn chưa có hướng xử lý triệt để, mới chỉ xử lý được về con người, còn về tài sản rất khó xử lý vì chưa có cơ chế. Ở nước ngoài, với những tài sản bất hợp lý, giải thích không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu ngay, nhưng mình chưa làm được như thế. Tới đây, sửa luật cần đề nghị phải hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc, chưa làm được cái đó thì chưa thể kê khai chính xác được. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, cần phải nghiên cứu kỹ để chỉnh sửa.
Câu chuyện được nhắc đến nhiều lâu nay là việc công khai bản kê khai tài sản. Theo ông, việc công khai nên được thực hiện thế nào để xã hội, người dân có thể giám sát, bởi tài sản của quan chức đâu phải là bí mật quốc gia?
Đã là bản kê khai phải rộng rãi cho toàn dân biết mới giám sát được. Trước kia cũng có quan điểm đề nghị công khai cả ở nơi cư trú, nhưng với trường hợp đó cũng có rất nhiều bất cập mà chúng ta chưa chỉnh sửa kịp, nên giờ vẫn nghiên cứu và tạm thời chấp nhận 2 hình thức: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hàng năm.
Bởi, nếu công khai nơi cư trú thì phải tính được sẽ công khai ra sao để không ảnh hưởng đến ANTT hay các quan hệ xã hội khác, như quyền bí mật tài sản của người ta. Và công khai tài sản của cán bộ ở đó, thì ANTT có bảo vệ được không, trong trường hợp có những kẻ lợi dụng việc công khi đó để tuyên truyền chống phá thì tính thế nào? Những việc này phải tính kỹ chứ không thể vội vàng. Và thực ra, nếu làm tốt được 2 hình thức nói trên là đã có hiệu quả rồi.
Cảm ơn ông!
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận