Điện ảnh

"Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo" lập đỉnh rating vẫn bị chỉ trích

21/07/2022, 17:40
image

Bên cạnh lời khen không ngớt, "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo" cũng dấy lên lo ngại về nội dung phi thực tế.

Chạm đỉnh rating

"Extraordinary Attorney Woo" (tựa Việt: "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo") đang trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn xứ Hàn.

img

Park Eun Bin vào vai nữ chính Woo Young Woo trong "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo"

Theo thống kê mới nhất của Nielsen Korea, tập 7 của phim đạt tỉ suất người xem trung bình toàn quốc 11,7%. Rating phim vượt trội so với những phim chiếu cùng khung giờ và cao hơn nhiều tác phẩm lên sóng thứ 7, chủ nhật.

Đây là thành tích xếp hạng cao nhất của phim sau 7 tập phát sóng và tăng hơn 2% so với tập 6 trước đó (đạt 9.57%).

Sự xuất hiện của phim đã đẩy rating của "Jinxed at First" (đài KBS2) giảm từ ngưỡng 4% xuống 2%. Trong khi "Eve" (đài tvN) do Seo Ye Ji đóng chính đã thu về rating toàn quốc là 3.7%, tương tự tập 14 ở tuần trước từng đạt 3.8%.

img

Dàn diễn viên trong phim

Câu chuyện về nữ luật sư Woo Young Woo mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (Asperger) gây hấp dẫn ở cách khai thác đề tài mới lạ. Phim được mô tả là "tác phẩm có khả năng chữa lành" vì đã miêu tả chân thực về chứng tự kỷ của Woo Young Woo và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp.

Truyền thông Hàn Quốc nhận định, “cơn sốt” Woo Young Woo đã đưa tên tuổi dàn diễn viên lên tầm cao mới. Từ vai chính đến vai phụ, hầu như các diễn viên như Park Eun Bin, Kang Tae Oh, Kang Ki Young, Joo Hyun Young, Ha Yoon Kyung... trước đó đều chưa có dấu ấn lớn trong sự nghiệp.

Nội dung gây tranh cãi

Bên cạnh lời khen không ngớt, "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo" cũng dấy lên lo ngại về độ thực tế của câu chuyện và ảnh hưởng của nó đến nhận thức của xã hội Hàn Quốc về chứng Asperger.

Estas - một tổ chức dành cho người mắc chứng tự kỷ tại Hàn Quốc cho biết, mô tả rối loạn phổ tự kỷ trong phim là không chính xác và có thể sẽ tạo nên một số định kiến ​​tiêu cực về chứng tự kỷ.

img

Mặc dù phim sử dụng thuật ngữ chính xác, Estas vẫn giữ thái độ phê bình đối với bộ phim. Một số phụ huynh có con tự kỷ cũng bày tỏ lo ngại rằng, phim đang miêu tả một trường hợp cực kỳ hiếm gặp và phi thực tế.

Do đó, biểu hiện của Woo Young Woo trong phim giống với Hội chứng Savant - chứng tự kỷ chức năng cao chứ không phải rối loạn phổ tự kỷ thông thường.

Còn KBIZoom cho rằng, phim chứa nhiều yếu tố phi thực tế. Điển hình là việc nữ chính sống trong môi trường an toàn, không có nhân vật phản diện: người bố hiểu con, đồng nghiệp tốt bụng, công việc thuận lợi.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun cho rằng: “Việc không có nhân vật phản diện xung quanh Young Woo cho chúng ta biết rằng, cô ấy có thể vượt qua khiếm khuyết là nhờ sự thông cảm, không định kiến từ những người xung quanh".

Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy, đa phần trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ lại gặp nhiều khó khăn để hòa nhập với bạn bè.

Mặc dù vẫn tồn tại tranh cãi, nhưng mức lan tỏa của phim chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Mới đây, JTBC còn báo tin vui khi các nhà làm phim tại Hollywood đã ngỏ lời mua bản quyền của phim, dù phim nàycòn tới 11 tập chưa lên sóng.

Nhà sản xuất cũng thông báo sẽ chuyển thể phim thành 6 tập truyện tranh trên mạng. Bộ truyện sẽ được phát hành toàn cầu bằng 4 thứ tiếng: Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc.

Những điều này càng khẳng định sức hút không biên giới của câu chuyện nhân văn và phi thường về nữ luật sư tự kỷ Woo Young Woo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.