Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần đi thăm đường Hồ Chí Minh |
Chữ ký cuối cùng trên cương vị Thủ tướng
Không biết ý tưởng xây dựng cho đất nước một trục dọc thứ hai xuất hiện trong ông từ bao giờ. Chỉ biết vào một ngày đầu Xuân năm 1996, ông gặp Bộ GTVT và nói rằng: “Cần sớm khảo sát, lập dự án, xây dựng xa lộ Bắc - Nam”. Ý tưởng ấy đến với Bộ GTVT bất ngờ nhưng lớn và táo bạo hơn rất nhiều so với những chủ trương xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hay Láng - Hòa Lạc… trước đây của ông.
Ông còn dặn dò, cần huy động đông đảo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài ngành, tham gia vào quá trình triển khai dự án, kể cả những người đã về nghỉ chế độ. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã tổ chức công tác khảo sát, lập quy hoạch xa lộ Bắc - Nam. Lực lượng đông đảo các đơn vị tư vấn chuyên ngành và các chuyên gia có uy tín, thuộc các đơn vị tư vấn và các trường đại học trong cả nước, đã được mời tham gia và có sự phân công cụ thể.
Xa lộ Bắc - Nam, trước hết phải thỏa mãn được một dòng giao thông liên tục, thông suốt. Về quy mô, phải đủ lớn cho lưu lượng xe, với hàng chục ngàn chiếc/ngày đêm. Có lẽ ông hình dung, nó phải tương đương như xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa về quy mô mặt cắt ngang. Và ông mong ước có một con đường chạy suốt từ Bắc vào Nam, không còn cảnh ách tắc mà năm nào cũng xảy ra trong mùa bão lụt ở miền Trung.
"Cũng vào lần cuối cùng thăm tuyến, ông đã dành thời gian tới thăm một số “Làng thanh niên lập nghiệp”. Một trong số đó là Làng thanh niên lập nghiệp Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ở thời điểm ấy, đã có hơn 200 thanh niên gia nhập làng này. Ông rất vui và nói với mọi người: “Tiềm năng của ta còn nhiều, cụ thể ở đây là tiềm năng về đất đai và lao động. Nhưng tiềm năng ấy có được khai thác hay không lại là con người. Vì thế địa phương phải chịu trách nhiệm về tổ chức lực lượng, đó là lớp người trẻ, có sức khỏe, có chí làm giàu và trình độ tiếp thu KHKT…”. Đặc biệt ông căn dặn: “Hãy khuyến khích các thanh niên miền xuôi lập gia đình với người miền ngược. Làm được như vậy, bọn xấu khó còn mong quấy phá cuộc sống yên lành của chúng ta…”. |
Sau khi nhận chủ trương khoảng bốn tháng, các phương án triển khai xa lộ Bắc - Nam đã được hình thành. Một phương án được đặt ra là chạy dọc phía Đông, song song với QL1. Phương án này có nhiều ưu điểm, nhưng có ba nhược điểm lớn. Về mạng, là không hợp lý vì nước ta dài nhưng hẹp, trong khi đã có QL1, đường sắt Bắc - Nam và đường thủy nội địa, ven biển… Đấy là chưa kể đến đường hàng không. Về địa chất rất yếu, gây tốn kém khi xây dựng. Về địa hình, do chạy dọc vùng đồng bằng duyên hải nên thấp. Muốn vượt lũ phải tôn lên đủ cao, khối lượng đất sẽ rất lớn. Diện tích lúa nước sẽ bị chiếm dụng đáng kể, xét về mặt an sinh lương thực là có vấn đề.
Phương án khác, chủ yếu chạy dọc phía Tây. Phương án này có nhiều ưu điểm vượt trội và khắc phục được tất cả các nhược điểm của phương án phía Đông. Hơn nữa, gần như nó đã có sẵn, bởi vì hơn 90% tổng chiều dài là các đường hiện hữu, nhưng chưa vào cấp nào, do nhiều năm không được đầu tư. Trong đó có tới hơn 70% đi theo hướng đường Trường Sơn trong chiến tranh nhưng nay không đi được, do bị bỏ hoang phế mấy chục năm rồi…
Đề xuất phương án phía Tây đã được ông chấp thuận ngay. Ông còn nói thêm rằng: “Vùng đất phía Tây tiềm năng rất lớn, với hàng chục triệu héc ta đất lâm nghiệp, đất làm công nghiệp, nhiều tài nguyên khoáng sản, nguồn thủy điện dồi dào… nhưng chưa được khai thác, tận dụng. Lại có tới hơn 10 triệu dân, với trên 70% là dân tộc ít người một thời đã một lòng một dạ theo cách mạng”.
Ngay sau đó ông đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam với 14 thành viên đại diện các bộ, ngành như: Quốc phòng, Xây dựng, KHCN&MT… Trong đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định dự án.
Ngày 24/9/1997, ông ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam. Người ta nói rằng, đó là văn bản cuối cùng mà ông ký trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Đau đáu nỗi niềm về một dự án tâm huyết
Sau đó, ông đã dành nhiều thời gian trực tiếp đi thị sát dọc dự án ngay từ những ngày đầu. Khi ấy, cả ngàn cây số từ ngoài vào đến Bắc Tây Nguyên không có lấy một khúc đường nhựa. Ngày nào cũng đi, từ sáng đến tối, mà cũng mất cả tuần. Xe như bò trên đường, xóc đến nhừ tử. Gọi là có đường nhưng đâu có đi được. Nơi bắc cầu Tri Lễ bấy giờ chỉ dài khoảng 300 mét thế mà trước đó, muốn qua bên kia phải đi xuôi xuống Đô Lương rồi ngược lên, tới 30 cây số.
Rất nhiều điều mắt thấy tai nghe đã làm ông xúc động. Trên đường đi, gặp mấy cháu độ tuổi lớp 6, lớp 7 đi học, quần xắn đến gối, tay dắt xe đạp mà đường lầy, trơn trượt, không đi được… Ông nói với mọi người: “Những địa phương này, trước đó đã từng thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người đấy”.
Lại có khi, gặp những bà con Vân Kiều, ông hỏi họ trồng cây gì, nuôi con gì để sinh sống? Họ trả lời: “Trồng cây gì để no cái bụng” và “nuôi con gì mà nó tự đi xa được, như con trâu, con bò ấy. Chứ con khác đâu có đường mà đi…”. Nghe vậy, ông chỉ biết lắc đầu.
Một buổi chiều qua đoạn Hiên (Quảng Nam) thấy một lũ trẻ người thiểu số, mình trần, đầu đội trời, chân đạp đất, màu da lẫn với màu đất núi. Chúng đang đi đâu đó? Hỏi ra mới biết chúng “đi xem vô tuyến”. Thì ra có một đơn vị đóng quân, xa lắm, cứ hai tối mới mở tivi một lần để kết hợp cho quân, dân cùng xem. Với những bước chân bé nhỏ của chúng, phải đi bộ nửa ngày trời mới tới “Không có đường thì văn minh bao giờ mới bò được tới đây”, ông nói.
Lại nghe nói, có chiến sỹ biên phòng bị sốt rét ác tính, đồng đội cáng đi trạm cứu thương, chết giữa rừng vì đường quá khó đi… Câu chuyện ấy làm ông buồn không khác cái buồn của thân nhân người lính xấu số kia.
Rất nhiều những câu chuyện tương tự như thế, làm cho ông lặng đi cả giờ. Khác với bản tính thường ngày, ông lạc quan, thậm chí đôi lúc còn hài hước nữa. Ông nói nhỏ đến mức như chỉ để nói với riêng mình: “Hòa bình đã gần ba chục năm rồi mà cái hạnh phúc đơn sơ nhất của đời người là có một đoạn đường tốt, đi lại dễ dàng, mà đến giờ hàng chục triệu đồng bào vẫn chưa có để mà hưởng nói gì đến văn minh, phát triển”. Ông nói vậy với tâm trạng như một người biết lỗi của chính mình với ai đó.
Càng thêm quyết tâm xây con đường máu thịt
Dường như những ấp ủ, ước vọng của ông về con đường ấy đã được truyền cảm đến mọi người. Mặc dù có một số ý kiến trái ngược nhưng rồi đến tháng 8/1998, chủ trương xây dựng công trình đã được Bộ Chính trị thông qua và chính thức đặt tên cho công trình là đường Hồ Chí Minh. Một con đường, một gạch nối giữa hai thế kỷ.
Những người kế vị ông sau này đã tiếp tục quan tâm sâu sắc, quyết tâm chỉ đạo để biến chủ trương của Đảng thành hiện thực. Vì ta còn nghèo nên quy mô còn rất khiêm tốn, với bề rộng chỉ đủ cho hai làn xe. Nhưng nhiều đoạn địa hình cho phép đã được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc. Những đoạn khó khăn, hiểm trở cũng đã được đưa vào cấp, có các công trình phụ trợ bền vững, đàng hoàng. Một con đường mà trong suốt quá trình chuẩn bị và xây dựng, mỗi cây số đường, mỗi thước cầu là một câu chuyện vô cùng cảm động về tinh thần vượt gian khổ, hy sinh không khác thời chiến là mấy.
Sau này, trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình, ông luôn lắng nghe những nghiên cứu, đề xuất của mọi người và đưa ra những gợi ý sáng tỏ, xác đáng. Khi công trình đồng loạt triển khai, từ miền Bắc vào Tây Nguyên, ông từng nhắc: “Hãy phát huy hào khí Trường Sơn để xây dựng đường Hồ Chí Minh”. Tiến độ thay đổi từng ngày làm ông rất vui và tự hào về sự lớn mạnh của lực lượng xây dựng Việt Nam.
Khi công trình đã hình thành cơ bản, lần đi thăm ấy không ngờ lại là lần đi thăm đường Hồ Chí Minh cuối cùng của ông. Lần này, ông dành nhiều thời gian trao đổi với các tỉnh có tuyến đường đi qua. Và câu hỏi của ông gần như được lặp lại: “Có đường Hồ Chí Minh rồi tỉnh mình đã có kế hoạch gì?”. Ông đã rất vui khi được nghe những dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khi tuyến đường được hoàn thành.
Hà Đình Cẩn
Nguyên TGĐ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận