Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Để người dân trực tiếp theo dõi hoạt động Quốc hội
Sáng nay (26/3), phát biểu tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã có những chia sẻ và cảm nhận về hoạt động Quốc hội không chỉ ở nhiệm kỳ này mà còn xuyên suốt gần 20 năm hoạt động Quốc hội của mình.
Ông Quốc dành nhiều thời gian chia sẻ về việc hướng về phía trước theo kịp với thời đại, tìm kiếm đỉnh cao, nhưng cũng cần ý thức được việc kế thừa được truyền thống của dân tộc, suy nghĩ về những gì các bậc tiền nhân làm được.
Dẫn chứng về kỳ Quốc hội khóa I được thành lập sau một kỳ tổng tuyển cử đầu tiên, vị đại biểu đoàn Đồng Nai chia sẻ, khi mới thành lập, Quốc hội có một tập quán rất quan trọng là để cho dân tiếp cận với hoạt động Quốc hội. Lúc đó Quốc hội họp ở Nhà hát lớn, dành hẳn tầng trên cùng để báo chí và mọi người dân có quyền đến xem.
"Ngày nay, chúng ta có cả tòa nhà hoành tráng thế này nhưng vắng bóng người dân. Quốc hội xây dựng hẳn một nhà truyền thống hoành tráng, nhưng ngay cả những người trong nghề chúng tôi cũng không được đến.
Đương nhiên, chúng ta phải đảm bảo an ninh, nhưng tổ chức để người dân đến quan sát hoạt động của Quốc hội là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tôi mong rằng một ngày không xa, người dân được vào đây tham quan, quan sát, theo dõi hoạt động Quốc hội, bên cạnh chúng ta phát huy những công nghệ như truyền hình", ông Quốc nêu quan điểm.
Về vấn đề này, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các hoạt động của Quốc hội cần được công khai hơn nữa. Nhiều cử tri bày tỏ mong muốn được theo dõi nhiều hơn nữa các hoạt động của Quốc hội, ĐBQH, đặc biệt tại các kỳ họp Quốc hội.
"Có người hỏi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước thì ai giám sát Quốc hội?. Đó chính là người dân. Để tạo điều kiện cho người dân giám sát Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội cần được công khai, minh bạch nhiều hơn nữa, thông qua các cơ quan thông tấn báo chí", đại biểu Hùng đề nghị.
Thành công và sai sót của Chính phủ có phần trách nhiệm của Quốc hội
Nói về hoạt động chất vấn, ông Dương Trung Quốc đánh giá đây là hoạt động giám sát tối cao, tạo ra hiệu ứng rất cao đối với xã hội, để người dân có thể thấy được trực tiếp hoạt động của Quốc hội.
"Chúng ta nhớ lại lần chất vấn đầu tiên của Quốc hội là tháng 11/1946, diễn ra ở Quốc hội khóa I thì không phải chỉ các Bộ trưởng được chất vấn mà ngay cả Chủ tịch nước cũng được chất vấn. Tôi cũng đọc lại đoạn nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đợt chất vấn đó, Bác Hồ nói rằng: "Chính phủ hiện thời mới thành lập được một năm hãy còn thanh niên, Quốc hội mới thành lập được 8 tháng thì thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi già dặn, sắc nét", ông Quốc dẫn chứng.
Từ dẫn chứng trên, ông Quốc nêu vấn đề tổ chức chất vấn Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước để những con người có tiếng nói cực kỳ quan trọng làm cho người dân có thể tin tưởng hơn về bộ máy Nhà nước.
Theo ông Quốc, Quốc hội đã có được những thành tựu rất lớn, theo kịp với thời đại, ứng phó kịp với tình hình, ứng dụng công nghệ cao. Nhưng đôi khi, công nghệ cao lại chưa đem lại hiệu quả cao. Đó là việc ứng dụng bấm nút, biểu quyết đã khiến không ai được biết chính kiến của từng ĐBQH.
"Bấm nút cho chúng ta con số vô nhân xưng, con số đó tôi tin là chính xác. Nhưng người dân làm sao giám sát được ĐBQH của mình có ý kiến như thế nào với vấn đề cần lấy ý kiến. Cho nên tôi rất mong chúng ta có thể làm hiển thị trên các phương tiện thông tin đại chúng những đại biểu nào bấm nút đồng tình và không đồng tình về việc gì đó", ông Quốc nói.
Ông Quốc cũng cho rằng, thành công hay là những thiết sót của Chính phủ có một phần trách nhiệm của Quốc hội.
"Tôi đã chứng kiến những đại án diễn ra mà những nhân vật, sự kiện liên quan ở nhiệm kỳ Quốc hội ấy không đề cập đến. Vậy thì trách nhiệm của ĐBQH và Quốc hội ở nhiệm kỳ để xảy ra sai sót đó có không, ai chịu trách nhiệm? Nếu chúng ta sáng suốt phát hiện được thì chúng ta sẽ hạn chế thất thoát được ngân sách", ông Quốc nói và đặt câu hỏi, ai dám đảm bảo sau kỳ Quốc hội XIV này không xảy ra thất thoát về tiền tài và nhân lực.
"Chúng ta cần đánh giá mỗi thành công của Chính phủ có thành công của Quốc hội, và mỗi sai sót của Chính phủ cũng có trách nhiệm của Quốc hội', ông Quốc nói.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, ở nhiệm kỳ tới, ông sẽ không tham gia hoạt động Quốc hội nhưng mong Quốc hội sẽ có sự thay đổi, không nên quy định cứng về tuổi tác đối với những ĐBQH chuyên trách.
"Chúng ta đừng biến Quốc hội thành cơ quan hành chính, đặc biệt các ĐBQH chuyên trách, họ đã tích lũy về mặt kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng, và uy tín. Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh hoa chứ đừng chỉ xem Quốc hội là sức vóc thuần túy", ông Quốc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận