Trong một thập kỷ đã qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, từ hội nhập, phát triển kinh tế cho đến đảm bảo, nâng cao đời sống của người dân, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, thách thức đòi hỏi phải sớm được giải quyết trên con đường đi đến thịnh vượng. Báo Giao thông trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư xung quanh câu chuyện này.
Nhìn lại giai đoạn 10 năm phát triển KT-XH vừa qua, ông có cho rằng đã có những giai đoạn chúng ta lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Điều gì đã khiến chúng ta vượt qua được giai đoạn đó?
Những năm đầu (2011, 2012) chúng ta đã phải thay đổi tư duy, điều chỉnh chính sách. Điều này bắt nguồn từ giai đoạn 2007 là thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, không khí rất lạc quan nên chỉ tiêu và tăng trưởng đều 7,5%-8%/năm.
Nhưng từ 2008-2010 xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, trong nước xảy ra cơn sốt giá cả, lộ nhiều yếu kém.
Ngay năm 2011, Chính phủ đã phải điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu phát triển KT-XH. Cụ thể, đầu năm 2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, ổn định KT-XH.
Việc thay đổi tư duy ở đây là đã không đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu nữa, mà là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, thúc đẩy sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Trong đó, tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu DNNN trọng tâm là tập đoàn và tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính mà trọng tâm là các tổ chức tín dụng. Sự chuyển hướng chính sách đó trong suốt nhiệm kỳ 2011-2015 đã mang lại kết quả là kiềm chế lạm phát, từ 18% về 12% rồi 7% và bây giờ là 3%-4%.
Nhưng rõ ràng, cùng với việc kiềm chế được lạm phát thì đầu tư và tăng trưởng kinh tế giai đoạn đó đã sụt giảm?
Đúng vậy. Tăng trưởng giai đoạn này giảm còn gần 6%, mức thấp nhất trong các kỳ điều hành. Đổi lại là ổn định vĩ mô. Nhưng tựu chung lại, có thể nói giai đoạn 2011-2015, về mặt điều hành KT-XH ta đã có một bài học lớn và chúng ta cũng phải trả giá cho bài học này.
Đau đớn nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Trước đây, họ tích lũy được bao nhiêu thì đến thời điểm này đã bị hao mòn, rất nhiều DN đóng cửa, phá sản. Có thể nói, 2011-2015 là giai đoạn giải quyết hậu quả của giai đoạn 2007-2011, chúng ta có bài học đắt giá về điều hành kinh tế vĩ mô và chính vì thế đã có thay đổi trong tư duy và chính sách.
Theo ông, kinh nghiệm từ bài học đắt giá đó đã được khắc phục như thế nào ở nhiệm kỳ kế tiếp, khi đã có sự thay đổi về tư duy?
Giai đoạn này tư duy đã rất khác trước. Trước đây, tăng trưởng bằng kích cầu thì nhiệm kỳ này tăng trưởng trên cơ sở cải thiện phần cung của nền kinh tế, mở rộng chất lượng và quy mô nền kinh tế tăng trưởng thực chất và ổn định hơn.
Chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ là Chính phủ luôn ra hai Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02. Nghị quyết 01 là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà vững chắc, tăng mức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp đến, Nghị quyết 02 cải cách môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, chi phí thấp hơn và ít rủi ro hơn.
Cách thức tăng trưởng thay đổi, trước phụ thuộc cung tín dụng và vay nước ngoài thì nay tăng trưởng là nhờ vào tăng năng suất nhiều hơn và tăng trưởng không phụ thuộc vào tăng cung tín dụng. Tăng trưởng tín dụng từ hơn 30% xuống còn khoảng 12%; Tăng trưởng cũng không còn phụ thuộc vào dầu thô và than đá.
Thay vào đó là tăng trưởng trên cơ sở khuyến khích sản xuất. Như vậy, cách thức và chất lượng tăng trưởng đã cải thiện.
Đến năm 2019, tăng trưởng đã phục hồi từ 6,1% lên quanh mức 7%, giá cả đã ổn định và thị trường hơn, thúc đẩy cải cách vi mô, kinh tế tư nhân, tạo nhiều công ăn việc làm hơn, tăng thu nhập người dân. GDP bình quân đầu người đến cuối 2020 có thể đạt khoảng 3.000USD.
Giai đoạn này, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân độc lập và chiếm 18%. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước xuất hiện nhiều tập đoàn lớn. Đây là điểm sáng trong suốt thời kỳ 2011-2020.
Năm 2019 tăng trưởng đã phục hồi từ 6,1% lên quanh mức 7% thúc đẩy cải cách vi mô, kinh tế tư nhân, tạo nhiều công ăn việc làm hơn, tăng thu nhập người dân.
Nhưng giai đoạn này cũng có những điểm “tối” như khu vực DNNN lại không phát huy được vai trò, không cộng hưởng cùng các khu vực kinh tế khác?
Đúng là như vậy. Cải cách DNNN thời kỳ này trì trệ hơn và không đạt mục tiêu cả cổ phần hóa và bán vốn, làm chậm quá trình cổ phần hóa và cải cách DNNN.
Thêm nữa, cải cách DNNN quá trọng về cổ phần hóa và thoái vốn mà chưa chú trọng tới quản trị và hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, đầu tư công liên tục chậm giải ngân, không đạt mục tiêu. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo và Công nghiệp 4.0 cũng là điểm ta có thể làm tốt hơn. Việt Nam nhận thức được khá sớm nhưng hành động cụ thể lại chậm.
Trong một thập kỷ đã qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, từ hội nhập, phát triển kinh tế cho đến đảm bảo, nâng cao đời sống của người dân
Nhiều thành tựu đạt được trong giai đoạn này, vậy theo ông còn chỉ tiêu nào mà ta chưa đạt?
So với kế hoạch thì 12 chỉ tiêu về phát triển KT-XH luôn đạt và vượt. Nhưng nếu so với chỉ tiêu đưa ra trong chiến lược 2011-2020 thì chỉ tiêu đầu tiên không đạt là tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược.
Nhân dịp này có lẽ nên bàn sâu hơn hệ tiêu chí, mục tiêu đưa ra trong thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH có sát với yêu cầu phát triển hay không?
Có vẻ như các chỉ tiêu đó vẫn thiên về lượng mà chưa chú trọng tới chất trong khi nền kinh tế đang cần thay đổi về chất. Nếu chưa thay đổi những chỉ tiêu đó thì chưa thay đổi được động lực và cách ứng xử để đạt mục tiêu, nên tăng trưởng như vậy vẫn thiên về thu hút đầu tư hơn là sử dụng đầu tư có hiệu quả.
Nhưng đó mới chỉ là chỉ tiêu kinh tế, còn chỉ tiêu môi trường và xã hội trong đó có y tế, giáo dục có lẽ cũng tương tự như vậy, cần phải xem xét lại.
Đạt được tăng trưởng nhưng chất lượng không khí kém đi, chất lượng nước kém đi thì rõ ràng là các chỉ tiêu kinh tế đạt được cũng chả để làm gì, nó không gắn với thực tiễn cải thiện cuộc sống người dân.
Cảng quốc tế Vĩnh Tân có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống logistics tại Bình Thuận và cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên
(Trong ảnh: Tàu quốc tế BBC Diamon cập Cảng quốc tế Vĩnh Tân)
Như ông nói thì có thể hiểu là chúng ta không cần kêu gọi quá nhiều đầu tư, vay quá nhiều vốn mà nên sử dụng tốt nguồn lực trong nước trước?
Tôi vẫn nói phải lấy hiệu quả nguồn lực làm trung tâm vì hiệu quả sử dụng hiện nay quá kém. Với đầu tư xã hội hiện nay 34-35%, nếu đạt được như Hàn Quốc thời kỳ 1960-1990 hoặc Nhật Bản giai đoạn 1953-1973 thì chúng ta đạt mức tăng trưởng 9-11% chứ không phải 6-7%. Việt Nam không thiếu tiền, chỉ vì sử dụng phân tán, lãng phí, kém hiệu quả.
Ví dụ, nhiều người nói thiếu tiền xây sân bay Long Thành, chỉ cần khoản tiền bán Sabeco mấy chục phần trăm được 5 tỷ USD là thừa sức xây. Tại sao không tập trung xây nó mà lại đi chia ra ở đâu đó?
Tương tự như cao tốc Bắc - Nam cũng thế. Chẳng qua là chuyển sở hữu từ một doanh nghiệp sang sở hữu một con đường hay sở hữu sân bay vậy thôi. Vốn của mình đang nằm ở tài sản thì chỉ cần chuyển từ tài sản nay sang tài sản khác.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận