Văn hóa - Giải Trí

"Phù thủy vẽ tranh" Vietnam’s got talent ký tên lên tranh nhái có sai luật?

08/11/2022, 15:20

Việc họa sĩ Lê Thế Anh tố "Phù thủy vẽ tranh" ở Vietnam’s got talent - Phạm Hồng Minh sao chép, ký tên lên tranh nhái khiến dư luận xôn xao.

Phạm Hồng Minh bị tố sao chép và ký tên lên tranh nhái

Mới đây, họa sĩ Lê Thế Anh - giảng viên tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội bày tỏ sự bức xúc khi hai bức tranh chép tác phẩm của anh bị họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh ký tên lên.

Đáng nói, hai tác phẩm của ông đều có giấy chứng nhận bản quyền và đã được bán cho nhà sưu tập.

img

Bức "Lì xì nhé" bản gốc (trái) và chép (phải). Theo họa sĩ, bức Lì xì nhé, kích thước 80x85 cm, chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 2016. Tranh từng được trưng bày tại triển lãm Chào xuân dịp đầu năm 2017.

Cụ thể, vài ngày trước, anh được học trò thông báo Phạm Hồng Minh có bức tranh chép tác phẩm "Lì xì nhé" do anh sáng tác. Anh cho rằng hoạt động chép tranh là bình thường nhưng không đồng ý việc Phạm Hồng Minh lại ký và ghi tên lên tranh.

Lê Thế Anh đã liên hệ Phạm Hồng Minh và được biết họa sĩ này mua bức tranh ở quận 5, TP.HCM. Trong tin nhắn giữa cả hai, họa sĩ Phạm Hồng Minh nói "cao hứng ký lên tranh" và xin lỗi vì không biết bức tranh đó là của Lê Thế Anh.

Đáp lại, Lê Thế Anh viết: "Hiếm có ai mua tranh về lại ký tên mình vào. Như vậy, em đang chiếm giá trị về mặt trí tuệ của người khác rồi. Nhưng thôi, em nên rút kinh nghiệm".

Vụ việc tưởng chừng lắng xuống nhưng sau đó, họa sĩ phát hiện thêm bức "Cô gái Dao đỏ" của anh cũng bị tương tự. Anh cho rằng hoạt động chép tranh là bình thường nhưng không đồng ý việc Phạm Hồng Minh lại ký và ghi tên lên tranh.

Họa sĩ liên hệ với Hồng Minh nhưng không được phản hồi, vì vậy, anh viết ý kiến lên phần bình luận Facebook, khiến nhiều khán giả quan tâm. Phạm Hồng Minh sau đó chủ động liên hệ và nói rằng mua tranh tại cửa hàng ở Trần Phú, Hà Nội rồi ký tên "vì yêu thích".

img

Tác phẩm "Cô gái Dao đỏ" bản gốc (trái) và chép (phải). Theo họa sĩ Thế Anh, bức "Cô gái Dao đỏ", vẽ năm 2013, kích thước 75x90 cm.

"Tôi có thể chấp nhận sự việc diễn ra lần 1, nhưng đến lần 2 vì tôi nghĩ, nếu mình còn im lặng thì sẽ tiếp tay cho một môi trường nghệ thuật không lành mạnh, nơi có những tác phẩm nhập nhèm về mặt chất lượng cũng như tác giả sáng tác.

Không chỉ vậy, nó ảnh hưởng tới những người mua tranh của tôi, khi các bức tranh na ná nhau lại xuất hiện ở hai không gian, với hai chữ ký của hai tác giả", nam họa sĩ bức xúc

Hiện, họa sĩ Lê Thế Anh muốn yêu cầu Phạm Hồng Minh xin lỗi công khai trên báo chí và hủy hai tác phẩm. Nếu không, họa sĩ sẽ nhờ pháp luật để giải quyết.

Trước lời tố cáo của họa sĩ đàn anh, Phạm Hồng Minh khẳng định không sao chép mà mua bức tranh. Khi đã mua, tranh thuộc quyền sở hữu của anh. Vì vậy, anh muốn viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền cá nhân.

"Anh ấy nói tôi chép tranh là đang vu khống. Tôi đã nhắn tin xin số điện thoại, hẹn gặp nhưng anh ấy chưa đồng ý", họa sĩ trẻ cho hay.

Hiện, Phạm Hồng Minh nói anh không muốn tiếp tục vướng vào tranh cãi. Nêu sai, anh sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư, giới chuyên môn nói gì?

Nhiều năm qua, hiện tượng tranh giả, tranh chép được thực hiện rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, gallery là điều không phải xa lạ.

img

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng phải thốt lên: “Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đang tồn tại làm các nghệ sĩ phẫn nộ đó là hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả rất nghiêm trọng, đặc biệt là tranh giả, tranh nhái, tranh chép...

Điều này làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả".

Tuy nhiên, khi thực trạng này tràn lan, tranh chép cần tuân thủ quy định khác kích thước tranh gốc và không được ký tên vào tranh. Đặc biệt, việc tranh chép được thực hiện cho mục đích kinh doanh thì người bán phải được sự đồng ý của tác giả bản gốc.

“Tất cả tranh được gọi là tranh chép đều dựa trên bản gốc để vẽ và theo nhu cầu của khách hàng. Nhưng bức tranh đó phải nhỏ hơn hoặc to hơn tranh gốc và chắc chắn không được ghi tên. Những tranh không có tên mọi người biết ngay đó là tranh chép”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay.

img

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cũng cho rằng, thực trạng này đã có từ lâu nhưng việc xử lý lại khá phức tạp, nan giải.

Với trường hợp của hoạ sĩ Phạm Hồng Minh có thể phải đối mặt với những hậu quả pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo luật sư Tiền, tranh vẽ được xếp vào loại tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng và được pháp luật công nhận, bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Theo đó, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm này có các quyền nhân thân (đặt tên cho tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm,…) và quyền tài sản (sao chép tác phẩm, biểu diễn trước công chúng, phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm,…) đối với tác phẩm theo quy định của Luật SHTT.

Điều 13 Luật này cũng quy định, tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật (người thừa kế; đồng tác giả; tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả, người được chuyển giao quyền…).

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, giảng dạy, pháp luật cho phép một số trường hợp được phép sao chép tác phẩm đã công bố mà không cần phải xin phép tác giả nhưng “không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm” (khoản 2, điều 25, Luật SHTT).

Có thể truy cứu hình sự, bồi thường thiệt hại

Luật sư Trần Xuân Tiền khẳng định, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm liên quan đến mỹ thuật, hội hoạ.

Hơn nữa cũng cần phân biệt rằng, đối với những tác phẩm nghệ thuật, nếu một người bỏ tiền ra mua một bức tranh không có nghĩa là họ được quyền viết, ký, vẽ hay bán lại cho người khác, mà chỉ có quyền lưu giữ tài sản, còn quyền nhân thân vẫn thuộc về tác giả.

img

Phạm Hồng Minh được nhiều người biết đến và gọi là "phù thủy vẽ tranh" sau khi vào 3 Vietnam's Got Talent 2013

Do đó, mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại theo quy định.

Về xử phạt vi phạm hành chính đang áp dụng quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 129/2021/NĐ-CP.

Theo đó, căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật.

Đối với hành vi nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả trên bản sao tác phẩm, xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm, căn cứ Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, đồng thời buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch, buộc sửa lại đúng tên tác giả trên bản sao tác phẩm có thông tin sai lệch.

Về xử lý hình sự, trong trường hợp cố ý sao chép tác phẩm và phân phối đến công chúng với quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng (thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng trở lên; hàng hoá vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên), người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật hình sự) và bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Pháp nhân thương mại nếu có một trong những hành vi nêu trên mà thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300 triệu đồng trở lên, hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.