Đã một số lần ra Phú Quốc nhưng vì công việc cứ cuốn đi. Lần này tôi quyết định sẽ “phượt” bằng xe gắn máy. Quả thực không phí công sức khi khám phá và chiêm nghiệm nhiều điều thú vị ở “đảo ngọc” này.
Biển Phú Quốc vẫn còn hoang sơ |
Xe tự kiểm soát tốc độ
Ở thị trấn Dương Đông, thuê một chiếc xe gắn máy không khó. Thậm chí cánh xe ôm đang chạy mà hỏi thuê họ cũng đưa xe luôn. Không phải để lại bất cứ giấy tờ gì, chỉ cần cho họ số điện thoại, cứ đi xong về trả tiền sau. Cô bạn gái cẩn thận khuyên tôi chọn một tiệm cho thuê xe có địa chỉ hẳn hoi trên đường Trần Hưng Đạo để ăn chắc. Em chủ tiệm tên Hà cũng khá xinh!
- Anh lấy xe Atila hay A lát?
- Xe gì? (tôi nghe lạ hoắc nên hỏi lại)
- Xe “A lát” ạ! Giá 200.000 đồng/ngày đêm.
Nói vậy nhưng tại quầy chưa có xe nào, đồng ý thuê thì có người đưa xe đến. Nghĩ đây là xe đời mới ở Phú Quốc nên thử xem sao. Vài phút sau một phụ nữ chạy xe đến, thì ra là “con” Air Blade.
Đổ đầy xăng, theo bản đồ, chúng tôi bon bon hướng về thị trấn An Thới. Chạy một đoạn chừng 4km thì “xình xình xịch”, chiếc xe chạy chậm lại rồi tắt hẳn máy. Quái lạ! Thay nhau đẩy xe lên đoạn dốc toát cả mồ hồi rồi ngồi thả xuống dốc. Thế mà hiệu quả. Đề lại là nổ máy liền. Hú hồn! Leo lên xe, bon bon tiếp.
Khoảng chừng 7km, khi đến gần Sân bay Phú Quốc ở xã Dương Tơ thì chiếc xe lại trở chứng. Trời nắng chang chang, giữa đường vắng hoe không một bóng người. Tôi tự trách mình sao không lấy số điện thoại em Hà để phòng thân. Đang loay hoay chả biết làm sao, thì chợt nhớ ở tiệm có bảng lưu ý khách thuê xe “không được chạy quá 40km/h”. Nãy giờ đường vắng hoe, mình toàn phóng 60km/h. Đề máy nổ lại, tà tà 40km/h tiến về An Thới hơn 25km, thế mà hiệu nghiệm. Lại hay, có thời gian thảnh thơi cùng nhau ngắm cảnh hai bên đường. Thấy cảnh ông Tây với cô người Việt đang hì hục đẩy bộ. Chúng tôi bật mí cách đối phó. Họ cảm ơn rối rít.
Hai phượt thủ đang tham quan thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang |
Xuống biển, lên non
Ở Phú Quốc người dân chấp hành đội MBH rất nghiêm túc. Theo anh Ngọc Phương, một hướng dẫn viên du lịch thì điểm nhận biết người dân địa phương và khách du lịch là khi dừng xe, người địa phương thường để chìa khóa, mũ bảo hiểm trên xe rồi đi mất, còn khách du lịch thì khóa xe, cài mũ cẩn thận.
Cái thú khi “phượt” ở Phú Quốc là vừa được xuống biển vừa lên non. Ghé vào Bãi Sao, được xem là một trong những bãi biển đẹp ở Phú Quốc, chúng tôi chọn tour đi biển câu cá, lặn ngắm san hô. Biết trả giá thì chỉ mất 200.000 đồng, còn không là 250.000 đồng/người. Xuống biển, dù biết bơi hay không, chủ thuyền cũng yêu cầu khách mặc áo phao cẩn thận. Với đầy đủ thiết bị hỗ trợ như kính lặn, ống thở, chân vịt… nhiều người tỏ ra rất thích thú khi được khám phá đại dương với những rặng san hô nhiều màu sắc và thấy yêu biển đảo quê hương hơn bao giờ hết. Giữa biển trời mênh mông, ngồi trên thuyền làm bát cháo hàu nóng thì không gì thú vị bằng.
Lặn biển chán thì lên bờ, đến thăm nhà lao Phú Quốc, tham quan khu trưng bày ngọc trai Cội Nguồn để thấy Phú Quốc cũng có “trai đẹp”. Chiều về ghé mũi Dinh Cậu ngắm hoàng hôn. Tối đến thả bộ thưởng thức hải sản ở chợ Đêm. Hôm sau cũng trên chiếc xe “A lát” ấy, chúng tôi tiếp tục “phượt” ngược lên phía Bắc, theo dòng sông Cửa Cạn khám phá khu rừng nguyên sinh của Phú Quốc, thăm vườn tiêu Khưu Tượng, viếng đền thờ Nguyễn Trung Trực. Buổi chiều quay về ghé làng chài Hàm Ninh để hiểu hơn về cuộc sống của những người ngư phủ, nghe câu chuyện về những “tỷ phú lênh đênh”. Ấy thế mà hai ngày “phượt” trôi qua nhanh chóng.
Cần hướng đi bền vững
Đi du lịch khám phá Phú Quốc bằng xe gắn máy là du lịch “bụi” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đoạn đường từ thị trấn Dương Đông về thị trấn An Thới đã đầu tư mấy năm nay nhưng chưa hoàn thiện, mỗi lần có xe ô tô đi qua thì người đi xe máy hứng đủ bụi. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết, đang phấn đấu để cuối năm nay xong toàn bộ tuyến đường.
Đến Phú Quốc giờ đã thuận tiện hơn khi có sân bay lớn. Ngoài các chuyến bay nội địa thì từ đầu năm 2014, một hãng hàng không của Nga đăng ký bay 4 chuyến/tuần tới Phú Quốc. Điện lưới quốc gia cũng đã được kéo đến từ dịp Tết 2014.
Lâu nay nói đến Phú Quốc người ta nhắc đến “đảo ngọc” với những bãi biển hoang sơ, những rặng san hô, hải sản phong phú, rừng nguyên sinh. Nhưng những lợi thế có sẵn này nếu khai thác quá mức sẽ đến lúc cạn kiệt. Sau hai ngày “phượt”, cô bạn tôi hỏi: Hết điểm để đi rồi à? Ừ, thì Phú Quốc còn hoang sơ. May mà Phú Quốc vẫn còn chút hoang sơ. Nhưng Phú Quốc chưa tạo nên nét quyến rũ để người ta quay lại nhiều lần. Ông Đào Việt Dũng - Giám đốc CHK Quốc tế Phú Quốc thì lo ngại khi đến cuối năm 2014 hệ thống khách sạn ở Phú Quốc mới đạt khoảng 1.500 phòng. “Trong năm nay chúng tôi có thể đạt 1 triệu hành khách nhưng khi khách du lịch đến thì họ ở đâu?”.
Đối với TS. Lê Tự Trình - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển thì trong chuyến đi khảo sát mới đây ở Phú Quốc đưa đến cho ông nhiều lo ngại. Đó là tình trạng khai thác hải sản tràn lan, rừng nguyên sinh chưa được bảo vệ nghiêm ngặt, cả một huyện đảo du lịch nhưng chưa hề có hệ thống xử lý rác, nước thải. “Điều quý nhất ở Phú Quốc là rừng, nguồn nước ngọt, là biển. Nếu khai thác mà không chú ý đến bảo tồn thì Phú Quốc sẽ mất đi nét hấp dẫn tự nhiên vốn có”, ông Trình nói.
Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận