Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và chương trình năm 2019.
Đặt câu hỏi vì sao những tồn tại, hạn chế trong xây dựng luật đã nhiều năm qua nhưng vẫn không khắc phục được, Chủ nhiệm Uỷ ba Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn cho rằng, đó là do kỷ luật không nghiêm. Thậm chí lần này, ngay cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng không chỉ ra bộ, ngành nào thiếu nghiêm túc.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng ngay bản tổng kết thi hành pháp luật ở lĩnh vực đó, là một tài liệu kèm hồ sơ dự án luật, nhưng đến 70% là không ký, không đóng dấu. "Vậy ai chịu trách nhiệm về những đánh giá, tổng kết số liệu đó?", bà Nga đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, bà cũng nêu thực tế gần như tất cả các bản báo cáo đánh giá, tác động của dự án luật, chính sách điều chỉnh cũng không ai ký. "Tôi nghĩ đó chỉ là bản nháp, bởi không ai chịu trách nhiệm", bà Nga nói.
Lấy ví dụ 3 dự án luật mới trình gần đây là dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, bà Nga cho biết hồ sơ rất dày, nhưng các báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết chính sách không ký, đóng dấu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi cho Bộ Tư pháp: "Cứ đánh giá là hồ sơ, tài liệu đầy đủ, trình đúng thủ tục, vậy thử hỏi với những trường hợp trên tại sao Bộ Tư pháp vẫn cho qua?".
Theo bà Nga, nếu tiếp tục tình trạng nể nang nhau thì rất khó khắc phục những tồn tại.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, nguyên nhân là do thực hiện chưa nghiêm. Có những dự án luật đã bố trí vào chương trình rồi, đến khi báo cáo cử tri rồi nhưng lại xin rút ra thì "rất khó coi". Ngay tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này cũng vậy, đến phút cuối lại xin rút dự án luật ra vì chưa chuẩn bị kịp.
"Làm sao khắc phục tình trạng tờ trình thì có, số công văn thì có nhưng ruột thì không? Tại sao số liệu báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội cứ vênh nhau như vậy, đó là do chúng tôi báo cáo số liệu thực. Chúng tôi không thể thống kê vào khi hành chính báo lên là chưa nhận được tài liệu", ông Phúc nêu thực tế.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng kiến nghị cần thay đổi nguyên tắc, không thể cứ để tình trạng Quốc hội phải "bắc nước chờ gạo", mà "khi nào có gạo mới bắc nước", chỉ trừ trường hợp đặc biệt.
Theo ông Phúc, hiện nay chúng ta đã ấn định thời gian rất cụ thể là ngày 10 mỗi tháng sẽ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/5 và 20/10 mỗi năm sẽ khai mạc kỳ họp Quốc hội nên các cơ quan chuẩn bị phải căn cứ vào đó để hoàn thành hồ sơ, tài liệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận