“Mỹ nhân hành động” vốn là chương trình nhiều thử thách hành động. Một cô gái yếu liễu đào tơ như chị sao lại tham gia?
Ban đầu, tôi tham gia chỉ vì tò mò. Tôi muốn vào môi trường đó để xem trong đó thế nào, mình mặc quân phục sẽ ra sao. Tôi cũng muốn biết những khó khăn mà các chiến sĩ công an phải trải qua như thế nào. Ngày xưa, tôi luôn muốn trở thành công an nhưng khi vào môi trường này, tôi mới thấy mọi thứ quá khác biệt.
Thời gian đầu mới vào, thú thật tôi bị sốc. Những bài tập luyện của chúng tôi mới chỉ là những huấn luyện sơ cấp đã rất vất vả rồi. Tôi phải hy sinh rất nhiều từ mái tóc, làn da, vóc dáng, nằm gai nếm mật.
Tôi biết bản thân có giới hạn nhưng vì lòng hiếu kỳ, tôi vẫn muốn tiếp tục trải nghiệm nhiều hơn nên ở lại. Càng ngày, tôi càng thấy không có ngành nghề nào là dễ dàng cả. Lĩnh vực quân đội, công an còn cam go hơn nhiều so với người bên ngoài tưởng tượng. Từ đó, tôi có thêm sự đồng cảm và ghi nhận với trách nhiệm, công việc của họ.
Người chơi chính là các nữ nghệ sĩ, hẳn mọi người được ưu ái hơn trong những thử thách khắc nghiệt?
Chúng tôi được tham gia huấn luyện ở hai đơn vị là cơ động và phòng cháy chữa cháy. Tất nhiên, về trọng lượng; của thử thách có thể đỡ hơn bởi chúng tôi chỉ được tập cách giải quyết những yếu tố được sắp đặt sẵn. Trong hoàn cảnh thực sự của các chiến sĩ công an, nhiều điều còn khủng khiếp hơn. Họ lúc nào cũng phải vững vàng, kiến thức phải thực sự chuẩn chỉ. Mỗi lần nhìn các chiến sĩ tập huấn cho mình, tôi đã rất ngưỡng mộ.
Chị hay những nghệ sĩ khác có chủ động tạo dramma để chương trình hấp dẫn hơn?
Tôi không có kinh nghiệm tham gia truyền hình thực tế. Trong lúc tham gia, tôi vẫn không nhận thức được vấn đề. Tới khi quay, tôi mới nhận ra truyền hình thực tế không giống phim ảnh, không theo kịch bản nào cả. Dĩ nhiên, vẫn có những đường dây sườn kịch bản mình phải tuân theo.
Chương trình về ngành công an nên được thực hiện nghiêm túc. Nói thật ngay ngày đầu tiên vào đơn vị, tôi đã bị ngợp. Chúng tôi phải làm chỉnh chu từ việc gấp chăn màn. Dù cảm thấy mình gấp đẹp thế nào đi nữa vẫn chưa đúng ý của thủ trưởng. Suốt quá trình tập huấn, chúng tôi thậm chí không dám cười đùa vì sợ bị mắng nên cũng chẳng có thời gian hay suy nghĩ tạo dramma gây cười, gây thú vị.
Tôi đã xem lại chương trình và thú thật là thấy chương trình thiếu sự hài hước. Có thể người xem sẽ thấy khô cứng. Có lẽ, chương trình hợp hơn với những người muốn tìm hiểu, khám phá về lĩnh vực này.
Trong thử thách “cứu hộ, cứu nạn dưới nước”, chị đã xin không tham gia thử thách. Đó có phải một cách "làm màu"?
Hồi 7 tuổi, tôi từng bị chết hụt. Tôi theo bạn bè đi bơi trộm ngoài sông và thi nhau nhảy từ trên cầu xuống sông. Bạn bè biết bơi nên nhảy xuống lại bơi vào, còn tôi không biết bơi nhưng vẫn thích nhảy nên đã bị chìm nghỉm. Tôi chới với dưới sông và may mắn có người bơi ra tóm vào.
Từ đó, tôi bị ám ảnh tâm lý. Mỗi lần xuống dưới nước sâu là tôi sợ hãi, gồng người lên nên cứ bị chìm xuống. Tôi cũng biết bơi nhưng chỉ là khi cố gắng thư giãn, còn làm thử thách cứu người thì tôi rất sợ. Ngay việc tôi đi bơi, mỗi lần ra chỗ nước sâu là phải có người luôn sẵn sàng bơi ra kéo tôi vào bờ chứ tôi không thể bơi được.
Nghe nói chị cũng phải đổ máu khi thực hiện thử thách?
Trong một thử thách leo dây, tôi bị tuột tay nhưng dây buộc vẫn vướng ở chân nên chân tôi bị miết, đứt khá sâu. Sau đó, ngày nào tôi cũng phải thực hiện thử thách nên vết thương không kịp liền miệng, thành ra bị nhiễm trùng. Chân đau nhức nhưng tôi vẫn phải cố gắng quên đi dù mỗi lần bước đi, chân rất đau. Tận tới khi xong chương trình về nhà, tôi mới uống thuốc và bôi thuốc, vết thương mới liền lại nhưng để lại vết sẹo lớn.
Không chỉ đứt chân, da mặt tôi thời điểm đó cũng bị cháy nắng, loang lổ. Trong quá trình tập huấn, chúng tôi không có thời gian để chăm sóc da. Buổi sáng tranh thủ dậy sớm bôi kem chống nắng thì chỉ ra nắng một lúc, mồ hôi đã chảy trôi hết.
Cảm ơn chị!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận