Thế giới giao thông

"Siêu nhân" trốn vé tàu gây xôn xao nước Anh

25/04/2014, 09:28

Một người đàn ông Anh đã tự thú và nộp phạt 43.000 bảng vì trốn vé tàu trong suốt 5 năm. Nhiều người đòi khởi tố anh chàng trốn vé nhưng cũng có một số lại bày tỏ sự ngưỡng mộ...

Hành vi trốn vé tàu suốt 5 năm ở London (Anh) vừa bị phát hiện đang được phê phán và tung hô
Hành vi trốn vé tàu suốt 5 năm ở London (Anh) vừa bị phát hiện đang được phê phán và tung hô


Robin Hood thời hiện đại (!?)


Người đàn ông nói trên đã đồng ý hoàn trả khoản tiền 43.000 bảng cho 5 năm trốn vé sau khi bị bắt quả tang trên chuyến tàu từ Stonegate phía Đông Sussex đến Cầu London hồi tháng 4 này. Tim Ball, một luật sư ở London nói: “Tôi muốn biết anh ta là ai. Chính vì những kẻ đi lậu vé như anh ta mà giá vé tăng lên, đổ vào đầu chúng tôi”. Martin Bowles, một chuyên gia quản lý tiền lương đã đi tàu hỏa suốt 25 năm phẫn nộ: “Anh ta đáng bị truy tố, bị kết án, bị đuổi việc và bị dạy cho một bài học thích đáng. Rõ ràng anh ta có tiền để trả nhưng lại trốn vé. Tôi chắc chắn còn rất nhiều kẻ đang hành động như vậy. Tôi thường xuyên nhìn thấy trên tàu những người đi lại mà không mua vé”. 


Người đàn ông trốn vé được cho là đã trả tiền cho Công ty Đường sắt thông qua một thỏa thuận dân sự, theo đó, công ty nhận tiền và không tiết lộ danh tính của anh ta. Đó cũng là cách để anh ta có thể tiếp tục làm việc tại công ty của mình. 


Một vài người đùa rằng, kẻ trốn vé là một hình mẫu Robin Hood của thời hiện đại. Một tài xế cười nói: “Tôi nghĩ anh ta là người hùng. Chúng tôi không muốn anh ta bị lộ vì chúng tôi muốn học tập anh ta nhiều”. Có khá nhiều lời đồn đại về người đàn ông trốn vé, rằng anh ta là giám đốc một công ty, một quản lý quỹ đầu tư, một lãnh đạo cao cấp trong tập đoàn lớn. Bởi vì, rõ ràng nếu anh ta có khả năng trả một khoản tiền lớn như vậy thì cũng có nghĩa rằng anh ta là người có tiền. Lựa chọn đi lậu vé ở một người như vậy cũng gây nhiều ngạc nhiên trong cộng đồng.  


Nigel Fellow, một quản lý xây dựng thường đi tàu hỏa trong suốt hai năm rưỡi qua nhận xét: “Có nhiều người sẽ nghĩ rằng: “Ồ, anh chàng kia làm tốt đấy!”. Dân ở khu vực Đông Nam thực sự nghèo. Tôi nghĩ một số người cho rằng nên thông cảm một chút nhưng tôi muốn anh ta phải bị truy tố. Tuy nhiên, mọi người có thể đang tán thưởng vì khả năng trốn vé của anh ta quá xuất sắc”. Trên thực tế, Stonegate là một khu vực giàu có. Bãi gửi xe khu vực nhà ga ở đây toàn xe hơi đắt tiền như: Range Rover, Mercedes, Porsche của khách tới đi tàu hỏa lên London từ những ngôi làng xa xôi, nơi mỗi ngôi nhà của họ thường có giá từ hai triệu bảng trở lên. 

Không phải trường hợp cá biệt


Cách trốn vé tàu cũng khá đơn giản. Những người đi không vé thường giả bộ đang ngủ hoặc đi vào nhà vệ sinh khi nhân viên đường sắt kiểm tra, trong trường hợp không thoát được, họ bèn mua một chiếc vé một chiều. Một thành viên trong cộng đồng những người đi tàu hỏa tiết lộ trốn vé là hiện tượng phổ biến chứ không phải cá biệt. 


Một số người tỏ ra thông cảm với anh chàng đi lậu vé bởi họ cho rằng, đó là cách thể hiện thái độ phản đối chất lượng dịch vụ đường sắt trên tuyến này. Một người khách đi tàu nói: “Tôi buồn cười khi đọc tin đó. Tôi không thể nói mình đồng ý với việc anh chàng kia làm nhưng thật sự là giá vé tàu quá ghê tởm. Nó đắt kinh khủng”. 


Theo một điều tra của tờ Guardian năm ngoái, 9,5% số hành khách trên tàu đi lậu vé. Khi được đặt câu hỏi vì sao nhiều công dân lại vui mừng khi trốn vé trong một cuộc thảo luận mở trên website của mình, Guardian đã nhận được nhiều câu chuyện và chia sẻ của độc giả. Một người cho biết: “Trong vòng 12 tháng tôi sống ở Heaton (ngoại ô Newcastle), tôi chưa bao giờ mua vé khi đi tàu điện ngầm cả. Có hai lần bị bắt quả tang thì tôi cung cấp cho thanh tra ngày tháng năm sinh của tôi, tên của bạn bè tôi và một địa chỉ căn nhà gần nơi tôi sống”. Một người khác kể: “Tôi trốn vé đúng một lần duy nhất do vô tình. Tôi để quên vé tháng của mình ở nhà, khi nhận ra điều đó thì tôi đã ở trên tàu rồi. Tôi thật may mắn vì người soát vé không đến toa tôi ngồi trong suốt chuyến đi. Tuy nhiên, tôi thường xuyên nhìn thấy một cặp sinh viên trốn vé trên tàu. Khi tàu bắt đầu rời bến, họ trốn vào nhà vệ sinh”. 


Tuy nhiên cũng có những người thật sự có ý thức khi kể lại: “Tôi chưa bao giờ trốn vé cả. Có một lần, tôi trở về nhà vào dịp Giáng sinh, quầy bán vé đã đóng và cũng chẳng có người soát vé nên tôi không mua được vé. Sau kì nghỉ, tôi đến nhà ga và mua vé trả cho chuyến đi đó bởi vì tôi đã rất lo lắng về việc không trả tiền. Nhân viên bán vé rất ngạc nhiên. Quyết định này của tôi có lẽ vì tôi đã nhiều tuổi, là một người đã về hưu và tin vào nhân quả. Thực tế, tôi rất sợ phải gian dối. Tôi vẫn luôn nhớ đến lần tôi rời khỏi một cửa hàng, nhân viên cửa hàng đó đã chạy đuổi theo tôi chỉ vì tôi quên cầm tiền thừa. Nếu chúng ta không trộm cắp của ai, chúng ta sẽ không mất gì hết”. Mặc dù vậy, nhiều người có ý kiến đồng nhất rằng, tình trạng trốn vé ngày càng nhiều là do giá vé áp dụng hiện nay quá cao.

Minh Khôi

(Theo Guardian)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.