Chính trị

"Sở, ngành xem thường" đoàn giám sát: Không chấn chỉnh sẽ "nhờn phép nước"!

18/04/2022, 14:45

Đây là quan điểm của ĐBQH Lê Thanh Vân khi bàn về vụ việc đoàn giám sát của HĐND TP.HCM phải hủy buổi làm việc vì đại diện sở, ngành không tới.

Áp dụng chế tài với đối tượng không tuân thủ luật giám sát

Dư luận đang xôn xao vụ việc sáng 14/4, buổi làm việc của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM giám sát các sở: Y tế, Sở Tài chính, Sở Lao động - thương binh và xã hội về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 đã bị hủy vì không có mặt đầy đủ lãnh đạo các sở.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM bức xúc: "Đến giờ này, có lẽ sở, ngành coi việc giám sát này là không quan trọng, xem thường đoàn giám sát. Sau khi hội ý các thành viên của đoàn giám sát, chúng tôi quyết định hủy cuộc giám sát này và sẽ báo cáo lại nội dung với Thường trực HĐND TP.HCM".

img

HĐND TP.HCM hủy buổi giám sát vì lãnh đạo Sở Tài chính, Y tế vắng mặt (Ảnh: THẢO LÊ)

Luận bàn về nội dung này, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đến làm việc mà các đối tượng chịu sự giám sát của HĐND không đến đầy đủ, trước hết là vi phạm quy định của pháp luật. Mà đã vi phạm quy định pháp luật thì cần phải sử dụng chế tài tương ứng để xử lý.

"Cho nên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM quyết định việc dừng buổi giám sát là hoàn toàn chính xác. Bởi làm việc với ai, giám sát gì khi đối tượng chịu sự giám sát không có mặt. Hiện tượng này không chấn chỉnh thì sẽ có thể dẫn đến "nhờn phép nước". Đây là sự cảnh báo và cần phải được rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay", ông Vân nêu quan điểm.

Ông Lê Thanh Vân đề nghị Ban Văn hóa - xã hội của HĐND TP.HCM thực hiện chế tài, hoặc đề nghị HĐND TP.HCM áp dụng chế tài đối với đối tượng chịu sự giám sát nhưng không tuân thủ theo quy định luật giám sát của Quốc hội và HĐND. Đó là quyền xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân, quyền đề nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm xem xét tư cách, chức vụ.

img

ĐBQH Lê Thanh Vân

Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử là hoạt động quyền lực, đại diện cho quyền lực của nhân dân và nhà nước. Các chủ thể tham gia hoạt động giám sát đều phải tuân thủ và chấp hành hoạt động giám sát.

"Vì vậy khi một loại chủ thể vi phạm quy định thì cần phải xử lý nghiêm – đấy chính là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc giám sát của HĐND nói riêng và cơ quan dân cử nói chung", ông Vân nêu quan điểm.

Ngoài giải pháp trên ông Vân còn cho biết, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hơn hết cấp ủy Đảng là nơi lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ở địa phương.

"Tiếp đến là phải định kỳ đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể chịu sự giám sát của HĐND. Theo tôi, vào dịp cuối năm HĐND các cấp cần có một phiên đánh giá về tinh thần, thái độ của các chủ thể chịu sự giám sát của HĐND. Về việc chấp hành chế độ báo cáo, chế độ chấp hành quy định về cung cấp thông tin đối với đại biểu HĐND, chấp hành quy định của pháp luật về thực thi kết luận của HĐND…", ông Vân nói.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng ủng hộ quyết định của Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM về việc hủy buổi giám sát vì lãnh đạo Sở Tài chính, Y tế vắng mặt.

"HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương nên giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND các cấp. Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy việc giám sát rất cần người đứng đầu (cấp trưởng, hoặc cấp phó) có mặt để giải trình về việc thực thi pháp luật, công việc cụ thể của Sở mình”, bà An nêu quan điểm.

Theo ĐBQH Bùi Thị An, hoạt động giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM này đã được thông báo trước, việc vắng mặt của các lãnh đạo Sở trong buổi giám sát này có thể có 2 lý do.

“Thứ nhất là có thể bản thân các vị lãnh đạo này làm việc có phần thiếu khoa học nên đã không sắp xếp được thời gian để dự phiên giám sát. Thứ 2, có thể là có sự coi thường việc giám sát này. Các vị này không biết có hiểu là HĐND là thay mặt nhân dân để giám sát chứ không phải là cá nhân nào đó. Các vị lãnh đạo Sở ở địa phương thường là tham gia HĐND nên không thể không hiểu vấn đề này", bà An nói và cho biết, Quốc hội tới đây cần xem xét những vụ việc tương tự và cần siết chặt lại kỷ cương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.