Hai tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh TT-Huế đang phát huy hiệu quả cao |
Tàu vỏ thép hay tàu vỏ gỗ?
Anh Đỗ Khể (trú tại thôn 2, xã Vinh Thanh huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) là một trong 3 ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số vốn 18,6 tỷ đồng và được các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế chấp thuận. Tuy nhiên, vừa qua, do nghe thông tin nhiều tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định bị hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng, ông quyết định rút đăng ký đóng tàu vỏ thép, chuyển sang tàu vỏ gỗ.
“Thấy chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn tỉnh của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận hạ thủy đem lại hiệu quả cao, tôi rất thích và muốn đăng ký đóng một chiếc tàu như vậy. Nhưng khi nghe tin nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định vừa hạ thủy vài tháng đã xuống cấp, gỉ sét, hư hỏng thiết bị, tôi rất lo lắng và e ngại nên không muốn đóng nữa”, ông Khể nói.
Một lý do khác khiến ông Khể không tự tin khi lựa chọn đóng tàu vỏ thép là kinh phí quá lớn. Ông cho rằng, đóng chiếc tàu vỏ thép đòi hỏi nguồn vốn đến gần 20 tỷ đồng, trong đó vốn vay đến 95% nên khó hoàn trả nợ gốc lẫn lãi. Trong khi, tàu vỏ gỗ công suất trên 800 CV giá trị chỉ hơn một nửa tàu vỏ thép
Cùng chung hoàn cảnh, ngư dân Đỗ Thức (trú xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, TT-Huế), ban đầu đăng ký đóng tàu vỏ thép cùng thời điểm với ông Khể. Trong khi đang chờ quyết định phê duyệt thì nghe thông tin tàu ở Bình Định bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, ông Thức xin rút hồ sơ, chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ.
“Tôi đăng ký tàu vỏ thép hơn 18 tỷ đồng. Thời gian qua khi ngân hàng thẩm định hồ sơ xong nhưng tỉnh chưa phê duyệt, chưa trả lời kịp. Thấy tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định nhiều lỗi, tôi sợ và xin rút hồ sơ", ông Thức nói.
Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển
Ông Phan Đức Anh Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, TT-Huế) cho biết, hiện toàn xã có 30 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất từ 350CV đến hơn 800CV và 4 hộ ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép, trong đó trường hợp ngư dân Đỗ Khể đã được phê duyệt. Tuy nhiên ông Khể và các hộ sắp được phê duyệt đã xin rút hồ sơ đóng tàu vỏ thép. Được biết ông Khể và ông Thức đã chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn còn hai hộ ngư dân còn lại chưa có quyết định đóng tàu nữa hay không.
“Cả 4 hộ ngư dân rút hồ sơ đều bày tỏ sự lo ngại, lo lắng không yên tâm trước thông tin tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng, lỗi thiết bị, gỉ sét. Đây thật sự là điều đáng tiếc, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) bằng vật liệu bền vững. Chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân", ông Anh nói thêm.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, chỉ tiêu được phân theo nghị định 67 của Chính phủ của tỉnh TT-Huế là 45 chiếc tàu vỏ thép, đến thời điểm này toàn tỉnh có 3 chiếc tàu vỏ thép 1 chiếc tàu Composite và 41 tàu gỗ đã đăng kí và phê duyệt. Trong đó 2 chiếc vỏ thép đã hoàn thành và ra khơi an toàn, số tàu còn lại vẫn đang được tiếp tục đóng và hoàn thiện.
Theo ông Đức, trước đây người dân muốn có con tàu vỏ thép để vươn xa ra biển để đánh bắt. Tuy nhiên qua tính toán, ngư dân thấy có nhiều cái hạn chế, ví dụ như về lái tàu, khâu vận hành…. Qua tính toán, họ thấy chưa phù hợp nên chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ.
Việc nhiều tàu vỏ thép bị hư hỏng nằm bờ chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của một số ngư dân có mong muốn đóng tàu vỏ thép hiện nay. Chính vì vậy các cơ quan ban ngành chức năng cần tích cực hơn nữa để có phương án chính sách phù hợp để giúp ngư dân có thể tiếp tục vươn khơi bám biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận