Ngày 6/12, các tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương của Nga bao gồm cả tuần dương hạm Varyag đã cập cảng căn cứ hải quân Vishakhapatnam thuộc Bộ Tư lệnh phía Đông của Hải quân Ấn Độ để tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế mang tên Indra Navy-2015 diễn ra từ ngày 7/12 - 12/12. |
Tuần dương hạm Varyag lúc đầu được đặt tên là Chervona Ukrayina, sau lần đại tu vào năm 2002, tàu được đổi tên thành Varyag và năm 2008 bắt đầu phục vụ tại Hạm đội Thái Bình Dương với tư cách là soái hạm của hạm đội. |
Tuần dương hạm Varyag thuộc dự án 1164 Atlant (NATO định danh là lớp Slava). Tuần dương hạm mang số hiệu 011 này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 10.000 tấn, đầy tải 12.500 tấn; chiều dài 186,4m; rộng 20,8m; cao 8,4m; thủy thủ đoàn từ 476-529 người, trong đó có 38 sĩ quan. Varyag sử dụng 4 động cơ đẩy kết hợp tuabin khí COGOG, 2 trục đẩy, công suất 130.000Hp (95.600 KWT), đảm bảo cho tàu đạt vận tốc tối đa 32 hải lý/h, phạm vi hành trình 7.500 hải lý (tương đương 13.200km), với tốc độ 18 hải lý/h. |
Về vũ khí, Varyag được trang bị 16 quả tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa P-500 Bazalt (NATO gọi là SS-N-12 “Sandbox”). Hệ thống phóng của nó được bố trí ở phần đầu tàu, bên trái 4 cụm, bên phải 4 cụm (mỗi cụm 2 ống phóng). Hiện nay P-500 và phiên bản nâng cấp của nó là P-1000 với tầm bắn 700km được coi là một trong những vũ khí tàu sân bay hiệu quả nhất thế giới hiện nay. |
Về vũ khí phòng không, tàu được trang bị chủ yếu là 64 quả tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F (SA-N-6 Grumble), là phiên bản trên hạm của tên lửa phòng không mặt đất S-300PMU. Ngoài ra, Varyag còn được trang bị 2 cụm 2 ống loại tên lửa phòng không tầm gần 9K33M “Osa-M” (NATO gọi là SA-N-4 “Gecko”) với cơ số 40 quả tên lửa. Varyag lắp đặt 6 bệ phóng loại 6 nòng pháo bắn nhanh AK-650 cỡ nòng 30mm dùng để phòng thủ giai đoạn cuối. |
Về vũ khí chống ngầm, Varyag được trang bị 2 cụm, mỗi cụm 5 ống phóng ngư lôi 533mm và 2 cụm, mỗi cụm 6 ống phóng tên lửa săn ngầm nước sâu RBU6000 có tầm bắn 6km (48 quả). Ngoài ra, Varyag còn được trang bị 8 cụm 10 ống phóng tên lửa nhử mồi PK-10 và 2 cụm 2 ống phóng tên lửa nhử mồi PK-2. Đuôi tàu tuần dương có bãi đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm Ka-25/27/28. |
Tàu còn được trang bị một số loại radar điều khiển tên lửa như: radar Front Door điều khiển tên lửa P-500 Bazalt, làm việc ở dải tần F-band; radar Top Dome điều khiển tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F, làm việc ở dải tần J-band; 2 radar Pop Group điều khiển tên lửa phòng không tầm gần 9K33M “Osa-M”, làm việc ở dải tần F/H/I-band. |
Tuần dương hạm thuộc lớp Atlat (tên mã NATO là Slava), thuộc đề án 1164 này được đóng 4 chiếc, 1 chiếc đã nghỉ hưu. Hiện nay, có 3 tuần dương hạm Project 1164 lớp Slava trong biên chế Hải quân Nga gồm: Moscow (121) thuộc Hạm đội Biển Đen, Admiral Ustinov (055) thuộc Hạm đội Biển Bắc và Varyag (011) thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. |
Moskva được đóng từ năm 1976 tại nhà máy đóng tàu Kommunara ở Nikolayev và hạ thủy năm 1979, soái hạm chính thức được gia nhập biên chế hải quân ngày 30/1/1983. Ngay sau Su-24 bị bắn rơi, cùng với "rồng lửa" S-400, tuần dương hạm tên lửa Moskva đã tới bờ biển Syria để làm nhiệm vụ phòng không bảo vệ các máy bay Nga thực hiện nhiệm vụ không kích IS. |
Còn tuần dương hạm tên lửa lớp Slava mang tên Admiral Ustinov đã cơ bản hoàn thành giai đoạn nâng cấp ở Severodvinsk ngày 3/12 vừa qua và bắt đầu giai đoạn chạy thử nghiệm tổng thể. Tuần dương hạm Admiral Ustinov trực thuộc Hạm đội Biển Bắc này được trang bị các hệ thống điện tử hàng hải và vũ khí hiện đại của Nga hiện nay. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận