Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin quy hoạch của người dân
Hôm nay (30/5), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường nội dung này.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa)
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) tán thành những nhận định của Đoàn giám sát của Quốc hội về những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàn chỉ ra thực tế, việc công bố công khai thông tin quy hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả.
Theo đại biểu Hoàn, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
"Trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quyền xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc", đại biểu Hoàn nói.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch bảo đảm chất lượng quy hoạch, đại biểu Hoàn đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
Đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam)
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về nội dung này; cho rằng nội dung giám sát rất đúng và trúng, có tác dụng rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện.
Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát cũng đã phản ánh toàn diện, đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch trong thời gian vừa qua.
Nhưng đại biểu Dũng cũng chỉ ra rằng, trong thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao; thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn.
Qua giám sát, đại biểu nhấn mạnh, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp.
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia, bởi đây sẽ là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.
Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, đại biểu đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban nhằm hạn chế mâu thuẫn và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan đề cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, trao đổi, thống nhất quan điểm trong quá trình quản lý các loại quy hoạch để giảm thiểu hạn chế, sai sót trong công tác quy hoạch.
Cần đẩy nhanh tốc độ quy hoạch ngành quốc gia
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn có liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ các quy hoạch.
Cụ thể, đại biểu đề nghị triển khai rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch. Chính phủ cần kịp thời ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn có liên quan đến việc quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ hàng hóa dịch vụ, sản phẩm. Sớm phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, phân cấp một số nội dung cho chính quyền địa phương như điều chỉnh cục bộ nội dung trong quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Đại biểu kiến nghị cần cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, công khai công bố quy hoạch, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kết hợp quy hoạch.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ về tiến độ từng bước, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành, quy định rõ đến từng bước quy hoạch, đảm bảo việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận