Theo Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, sự cố Formosa là bài học lớn, đau xót, cay đắng. Ảnh Tú Anh |
Ngày 4/8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XIV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đặng Vân (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho rằng, cần phải giải quyết dứt điểm dự án Formosa gây ô nhiễm môi trường biển. Theo cử tri Vân, cần làm rõ những vấn đề: Ai duyệt dự án này? Ai cho phép dự án đến 70 năm? Có phải là “tiền trảm hậu tấu không”? Bởi theo quy định chỉ được phép 50 năm. Ai sẽ đảm bảo những năm sau họ không xả thải ra môi trường biển nữa...?
Cử tri Vân cho rằng, việc đề nghị chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân, người dân không đồng ý. Ngư dân thì phải bám biển. Bây giờ không bám biển thì đi đâu? “Chúng tôi đề nghị đảm bảo cho ngư dân được đánh bắt an toàn, không thể để tàu Trung Quốc xô đuổi, bắt bớ và thiệt hại rất nhiều tài sản”, ông Vân nói.
Cử tri Lê Tưởng (trú phường Mỹ An), cho rằng, việc cấp phép 70 năm cho Formosa là không đúng. Theo cử tri Tưởng, có điều luật cho những dự án vô cùng lớn và vùng vô cùng khó khăn. Nhưng không có điều luật nào cho phép rằng, anh mời một nhà đầu tư mà rất nhiều nước trên thế giới cảnh giác. Mời họ vào Việt Nam mình để tàn phá môi trường nên vẫn không đúng luật.
Theo cử tri Nguyễn Mậu Dự (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), sự kiện Formosa của Hà Tĩnh và vấn đề an toàn thực phẩm là tội ác. Tội ác không phải giết một người mà là nhiều người và cả hàng triệu người. Không phải một thế hệ mà cả nhiều thế hệ. Cử tri Dự đề nghị Quốc hội hình sự hóa các vấn đề an toàn thực phẩm và hình sự hóa tất cả các vấn đề môi trường kiểu như Formosa.
Cử tri Đà Nẵng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sự có Formosa. Ảnh Tú Anh |
Trả lời các ý kiến của các cử tri, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng phải giải quyết dứt điểm sự cố môi trường do Formosa gây ra. “Có thể nói đây là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Khắc phục hậu quả rất gian truân, rất vất vả”, ông Huynh nhấn mạnh.
Về việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, theo ông Huynh chỉ chuyển cho một bộ phận thôi, làm sao mà chuyển hết được. “Vì thế, một mặt chúng ta phải đấu tranh với Formosa. Buộc Formosa phải nhận trách nhiệm, cúi đấu xin lỗi và phải bồi thường, cam kết không vi phạm nữa," ông Huynh nêu rõ.
Theo ông Huynh, từ số tiền bồi thường của Formosa sẽ phân bổ để khôi phục lại môi trường, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời cũng buộc Formosa phải thay đổi, hoàn thiện bộ phận xả thải, để chúng ta kiểm soát, không để Formosa tiếp tục xả thải ra môi trường. Nếu vi phạm thì đóng cửa.
Ông Huynh cho rằng, sự cố Formosa là bài học lớn, đau xót, cay đắng để chúng ta không được quên rằng phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ông Huynh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là rà soát lại, kiểm tra toàn bộ quá trình cấp phép, quá trình phê duyệt dự án, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải. Ai vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
“Không thể ông lên báo nói mấy câu chống chế là xong việc. Cứ để kiểm tra làm rõ. Anh nói: “Tôi ký 12 bộ, ngành đã đồng ý”. Vậy thì để kiểm tra. Luật quy định 50 năm nhưng đặc biệt là 70 năm, trường hợp này có đặc biệt hay không, phải có căn cứ”, ông Huynh nói.
Về bồi thường, hỗ trợ ngư dân, theo ông Huynh, Chính phủ đã giao cho các bộ ngành lập phương án thỏa đáng, công bằng, minh bạch. Tránh trường hợp người bị thiệt hại nhưng không được hỗ trợ.
>>>>>> Xem thêm video Cận cảnh ống xả thải khủng của Formosa dưới đáy biển
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận