SỨ MỆNH "RỦI RO CAO"
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tuần tới, tàu vũ trụ của Nga và Ấn Độ sẽ đến cực Nam của Mặt Trăng - một khu vực cho đến nay chưa từng được khám phá bởi cả con người và tàu đổ bộ.
Một cuộc đổ bộ thành công của một trong hai quốc gia mang ý nghĩa đột phá cho công nghệ vũ trụ mới của loài người, đồng thời mở đường cho các sứ mệnh trong tương lai của các cường quốc không gian khác như Mỹ, Trung.
Bởi những sứ mệnh sau đó của Mỹ, Trung đều sẽ được thực hiện bởi phi hành đoàn - Đây là một thử thách 'vô tiền khoáng hậu' ở thế kỷ 21 bởi trong hơn 50 năm qua, chưa có một ai đặt chân lên Mặt Trăng.
Vào tháng 6/2023, Yuri Borisov, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đã mô tả sứ mệnh Luna 25 là "rủi ro cao", với 70% cơ hội thành công. Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết vào ngày 8/8 rằng cơ quan này "chúc họ tốt lành", tạp chí Nature thông tin.
Đổi lại, nếu Luna-25 hạ cánh an toàn, Nga sẽ thành công trong khi nhiều nước khác gần đây đã thất bại (chưa bàn đến sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ).
Kể từ năm 1976, chỉ có Trung Quốc hạ cánh thành công trên Mặt Trăng, với tàu đổ bộ và tàu tự hành trong cả năm 2013 và 2018, và một nhiệm vụ trả lại mẫu vào năm 2020.
Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ và tàu đổ bộ Beresheet của Israel đã va chạm trên bề mặt và nổ tung. Tàu đổ bộ HAKUTO-R M1 của Nhật Bản cũng chịu chung số phận vào tháng 4/2023.
Sẽ mất khoảng 5 ngày để tàu vũ trụ Nga đạt quỹ đạo 100 km quanh Mặt Trăng. Nỗ lực hạ cánh được lên kế hoạch đổ bộ tại địa điểm hố va chạm Boguslawsky rộng 100 km, cách cực Nam của Mặt Trăng khoảng 500 km.
Ảnh minh họa tàu đổ bộ Luna-25 Nga trên Mặt Trăng. Nguồn: Mechanik/Alamy
Có vẻ như, cực Nam tăm tối của Mặt Trăng đang là đích đến của cuộc đua vũ trụ thế kỷ 21. Vì những lý do thực tế và khoa học, cũng như vì những lý do địa chính trị và thiên văn, cuộc chạy đua này khác với cuộc đua Xô-Mỹ của những năm 1960 trong thời Chiến tranh Lanh.
Và mặc dù Mỹ không trực tiếp tham gia vào một trong hai nhiệm vụ (của Nga và Ấn Độ) ở cực Nam Mặt Trăng, thì những sứ mệnh như Artemis của NASA sẽ thúc đẩy việc khám phá và định cư trên Mặt Trăng trong tương lai.
Họ cũng tạo tiền đề cho một tương lai, trong đó, một lần nữa, các cường quốc du hành vũ trụ trên thế giới sẽ có sự lựa chọn giữa cạnh tranh và hợp tác.
Trung Quốc có kế hoạch phóng một chiếc xe tự hành đến cực Nam vào năm 2026 và nước này cũng hy vọng sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030; và Chương trình Artemis của NASA, sẽ cố gắng đưa con người trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ Apollo 17 vào năm 1972, cũng đang tập trung vào cực Nam.
Năm 1959, Luna-2 của Liên Xô trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận bề mặt của Mặt Trăng và vào năm 1966, Luna-9 của nước này tiếp tục thực hiện cuộc đổ bộ không người lái lên Mặt Trăng thành công đầu tiên trên thế giới.
Sứ mệnh không người lái cuối cùng của Liên Xô, Luna-24, kết thúc vào năm 1976. Gần 50 năm sau, Luna-25, tàu đổ bộ mới nhất của Nga, mới được phóng đi vào ngày 11/8/2023, và dự kiến sẽ đáp Mặt Trăng khoảng ngày 21-23/8.
THỨ GÌ THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA NGA, ẤN TRÊN MẶT TRĂNG?
Luna-25 không phải là tàu duy nhất hướng đến cực Nam - Ấn Độ cũng sắp cho tàu của mình đổ bộ ở đó.
Ngày hạ cánh ban đầu của tàu Luna-25 Nga, ấn định là ngày 23/8, đã được thay đổi thành ngày 21/8, phần lớn trong nỗ lực đánh bại tàu vũ trụ hướng tới Mặt Trăng của Ấn Độ, Chandrayaan-3, được phóng vào tháng 7/2023 và cũng lên kế hoạch hạ cánh xuống Mặt Trăng vào ngày 23/8. (Tàu vũ trụ của Ấn Độ bay thẳng tới Mặt Trăng lâu hơn so với của Nga, một phần vì nó mang một trọng tải lớn hơn và nặng hơn.)
Cả hai nước Nga, Ấn đều tìm cách hạ cánh xuống cực Nam gồ ghề, tăm tối của Mặt Trăng, một thử thách được đánh giá là khó khăn và nguy hiểm.
Do thiếu ánh sáng Mặt Trời, phần lớn khu vực cực Nam - nơi nhiệt độ có thể giảm xuống dưới âm 150 độ C - vẫn chìm trong bóng tối vô tận hàng tỷ năm qua. Nhưng ẩn trong bóng tối này có thể là một thứ cần thiết cho tương lai của con người trên Mặt Trăng: NƯỚC ĐÓNG BĂNG.
Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA, tàu Chandrayaan-1 của Ấn Độ, và các tàu vũ trụ khác đã quan sát thấy sự hiện diện của hàng tỷ lít nước đá ở các cực của Mặt Trăng. Nhưng cho đến nay, những quan sát đó mới được tiến hành từ xa.
Cả Nga và Ấn Độ đều tìm cách trực tiếp xác nhận sự hiện diện của băng nước và xem liệu có nhiều băng hơn dưới bề mặt Mặt Trăng hay không.
Chandrayaan-3 của Ấn Độ cũng sẽ nghiên cứu bề mặt, bầu khí quyển và hoạt động kiến tạo của Mặt Trăng, thực hiện các thí nghiệm kéo dài ít nhất hai tuần.
Luna-25 của Nga được lên kế hoạch hoạt động trên Mặt Trăng trong một năm, khoan, thu thập và phân tích các mẫu.
Vậy tại sao băng nước lại quan trọng?
Băng dẫn đến nước, làm tăng cơ hội cư trú lâu dài trên Mặt Trăng của loài người. Nó cũng có thể giúp các phi hành gia sản xuất oxy và nhiên liệu cho tên lửa.
Và việc tìm ra cách khai thác và xử lý nước đóng băng có thể mở đường không chỉ cho các căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai mà còn cho các chuyến du hành ra ngoài Mặt Trăng, như sao Hỏa chẳng hạn.
Nga-Trung hướng đến việc xây dựng căn cứ Mặt Trăng có người ở. Ảnh: Internet
Nico Dettmann, Trưởng nhóm Thám hiểm Mặt trăng tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết: "Chúng ta có thể tạo ra hydro và oxy từ nó, những thứ có thể được sử dụng để sản xuất nước uống, không khí thở hoặc thậm chí để sản xuất nhiên liệu tên lửa.
Điều đó có thể khiến Mặt Trăng trở thành "bước đệm cho những điểm đến xa hơn" trong Hệ Mặt Trời".
Hai thập kỷ chế tạo, Luna-25 là một tàu đổ bộ cố định nặng khoảng 1.750 kg và là nỗ lực đầu tiên của Nga hạ cánh trên Mặt Trăng kể từ sứ mệnh Luna-24 vào năm 1976 đưa đá Mặt Trăng trở về Trái Đất nghiên cứu.
Scott Pace, cựu thư ký điều hành của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ cho biết, để so sánh, Luna-25 "khá khiêm tốn"; chiếc tàu chỉ mang 30 kg dụng cụ khoa học.
Khám phá không gian hiếm khi chỉ đơn thuần phục vụ cho không gian hoặc khoa học, và điều này đặc biệt đúng đối với Nga.
Những căng thẳng ở mặt đất đã đặt sự hợp tác Nga-Mỹ trong Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào thế bấp bênh.
Năm 2022, Roscosmos, cơ quan vũ trụ của Nga, tuyên bố rằng họ dự định rút khỏi mối quan hệ đối tác đó vào năm 2024, mặc dù sau đó Roscosmos đã đính chính lại, nói rằng họ muốn tiếp tục tham gia ISS cho đến ít nhất là năm 2028, lúc đó trạm vũ trụ của riêng Nga có thể hoạt động riêng biệt.
Khi Nga tìm cách tránh xa sự hợp tác tại ISS, họ bắt tay với các quốc gia như Trung Quốc - quốc gia không phải là đối tác của ISS.
Theo Thông tấn xã Nga, Tổng giám đốc của Roscosmos cho biết sau khi hoàn thành 3 sứ mệnh Mặt Trăng đang chờ xử lý khác, họ sẽ bắt tay vào "giai đoạn tiếp theo - một sứ mệnh có người lái và xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng với các đồng nghiệp của chúng tôi từ Trung Quốc".
Tổng giám đốc Roscosmos cũng cho biết ông "hy vọng các quốc gia khác sẽ tham gia dự án xây dựng cơ sở Mặt Trăng mà họ dự định tạo ra với Trung Quốc.
Không rõ những quốc gia khác sẽ là ai, nhưng sẽ thật hợp lý khi tưởng tượng rằng quan hệ đối tác Nga-Trung có thể khiến Mỹ đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ Mặt Trăng mà họ đã lên kế hoạch ở cực Nam trong Chương trình Artemis mới nhất của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận