Điện ảnh

"Sự truyền tải về phim lịch sử Việt Nam vẫn còn yếu kém"

30/09/2014, 07:02

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nói phim lịch sử Việt Nam chưa hay, chưa giúp khán giả yêu lịch sử...

Một tuần qua, bộ phim "Sống cùng lịch sử" được làm với kinh phí 21 tỷ đồng nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã "gây bão" trên các phương tiện truyền thông về việc ra rạp nhưng không bán được vé. Các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đã có những đánh giá, những nhìn nhận về cách làm phim lịch sử Việt Nam hiện nay.



GS Phan Huy Lê: Phim lịch sử chưa đáp ứng được yêu cầu của khán giả

GS Phan Huy Lê
GS Phan Huy Lê

Là nhà sử học hàng đầu của Việt Nam, GS Phan Huy Lê đã có những đánh giá về cách làm phim lịch sử Việt Nam hiện nay. Theo GS, thực tế ở Việt Nam phim lịch sử luôn vắng khán giả. Đây là chuyện đáng buồn nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người quay lưng lại với lịch sử, mọi người vẫn rất thích và yêu lịch sử Việt Nam. Không phải do sử khô khan và do khán giả mà nguyên nhân quay lưng là cách làm phim kém hấp dẫn.

Giáo sư phân tích, không phải lịch sử Việt Nam thiếu các đề tài hay mà những người viết kịch bản chưa biết khai thác. Với kịch bản nghèo nàn như hiện nay thì không thể nào có phim hay về lịch sử. Trong đó, khâu quan trọng và thay đổi cách nhìn về phim lịch sử đó là kịch bản. Và muốn như thế đạo diễn và biên kịch phải dày công nghiên cứu.  

“Tôi chỉ nói 2 điều: lịch sử Việt Nam cực kì phong phú và là lĩnh vực rất hấp dẫn để sáng tạo nghệ thuật mà ta chưa khai thác được. Và cách khai thác của Việt Nam ta bây giờ hoặc là chỉ lệ thuộc vào lịch sử quá hoặc bay bổng không còn tính lịch sử” - GS nói.

Cuối cùng, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh, khán giả là người thẩm định cuối cùng, được hay mất, yêu hay thích bộ phim, chứ không phải tôn vinh lên là được. Do vậy, hãy làm phim để hướng tới khán giả là mục tiêu quan trọng nhất.

Bộ phim Sống cùng lịch sử thất bại về mặt khán giả
Bộ phim Sống cùng lịch sử thất bại về mặt khán giả

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Hãy thăm dò khán giả trước khi làm phim lịch sử

Cảm nhận về phim lịch sử Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển vẫn cho biết phim chưa hay, chưa giúp khán giả yêu lịch sử. Sự truyền tải về phim lịch sử Việt Nam vẫn còn yếu kém.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

“Về mặt lịch sử, phim chưa phản ánh đúng điển hình về lịch sử. Về mặt nghệ thuật cũng có vấn đề nên không thu hút hoặc hấp dẫn người xem. Ngoài ra, phim lịch sử Việt Nam chưa được tuyên truyền giới thiệu”, GS cho hay.

Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, trước khi làm bộ phim lịch sử có đầu tư lớn, nhà nước hay hãng phim phải thăm dò, khả năng bộ phim được khán giả đón nhận như thế nào.

“Cảm thấy quan trọng, cảm giác thấy cần và làm, và làm xong không ai xem thì đó là 1 kiểu đầu tư phiêu lưu, tổn hại đến nguồn lực của đất nước mà không hiệu quả thực tế. Làm phim mà không ai xem thì quả là thất bại. Vì thế, phải tính toán thật kỹ, có như thế là đáp ứng yêu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị đặt ra”, GS Ngọc nói.

Theo GS làm một bộ phim lịch sử hay là một câu chuyện dài, không thể chộp giật được. Từ kịch bản đến phương tiện kỹ thuật, các điều kiện dàn dựng, trường quay... Việt Nam có nhiều vấn đề lịch sử hay, nhà sử học cung cấp tư liệu lịch sử, còn nhà làm phim làm cách nào đó để biến những tư liệu ấy thành những bộ phim hấp dẫn khán giả.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc phim lịch sử là dòng phim không thể thiếu đối với bất kỳ nền điện ảnh nào. Trên thế giới không ít bộ phim lịch sử ngoài mục đích tuyên truyền, chạm được vào lòng tự hào, tự tôn dân tộc ngoài ra còn được dàn dựng cực kỳ công phu với mục đích thương mại rõ ràng ngay từ đầu. Việt Nam cũng cần phải học hỏi điều đó, xem các nước như Trung Quốc Hàn Quốc, Mỹ họ làm phim lịch sử như thế nào để hấp dẫn khán giả.

Ngày 22/9, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu Thứ trưởng Vương Duy Biên chỉ đạo Cục Điện ảnh thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá hiệu quả, báo cáo lãnh đạo Bộ về các dự án phim do Nhà nước đặt hàng. Ngoài ra, chỉ đạo Trung tâm Chiếu phim quốc gia và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giới thiệu và công chiếu các phim do Nhà nước đặt hàng.

Ngày 24/9, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã có cuộc làm việc kín với Cục Điện ảnh cũng như hãng sản xuất phim Sống cùng lịch sử. Cuộc gặp nhằm phân tích tình hình cũng như rút kinh nghiệm, đặc biệt ở khâu phát hành, đưa bộ phim ra rạp. Bộ VH-TT&DL cũng chỉ đạo cần ngồi lại tọa đàm về chuyên môn của bộ phim và rút kinh nghiệm phát hành.

Thông tin từ Cục Điện ảnh cho biết, bộ phim Sống cùng lịch sử đã đến với 250.000 khán giả. Cục Điện ảnh dự kiến tiếp tục đưa Sống cùng lịch sử vào chiếu trong Đợt phim kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN (22/12/1944 – 22/12/2014). Sau đó, Cục sẽ mời một nhà phát hành chuyên nghiệp tổ chức quảng bá, truyền thông và phát hành bộ phim trên hệ thống các cụm rạp chiếu phim lớn ở các thành phố, các đô thị. Tiếp đến, bộ phim sẽ được in nhân bản hàng loạt để phổ biến tới nhân dân cả nước thông qua các đội chiếu phim lưu động tại 63 tỉnh, thành.

Phạm Lý
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.