ĐB Nguyễn Thái Học - tỉnh Phú Yên |
Theo vị ĐBQH tỉnh Phú Yên này, mục tiêu đề án tái cơ cấu còn chung chung. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đề cập nhiều lĩnh vực của nền kinh tế với lộ trình thực hiện khá dài, giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu từng năm và từng giai đoạn. Ngay cả báo cáo giám sát của Uỷ ban TVQH cũng không có cơ sở để đưa ra số liệu có tính phân tích, so sánh hiệu quả mang lại của tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua.
“Một khi mục tiêu thiếu sự lượng hóa thì việc nhìn nhận, đánh giá mặt được và chưa được của từng giai đoạn thực hiện tái cơ cấu cũng sẽ rất chung chung, thiếu cơ sở để xác định, ràng buộc trách nhiệm. Không có cơ sở cho việc đánh giá, mức độ đạt được cũng như tồn tại hạn chế so với chỉ tiêu, mục tiêu đề ra”, ông Học nói và cho rằng, nhiều ngành, địa phương còn chưa thực sự quan tâm chú trọng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế.
“Báo cáo giám sát nêu sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương còn lúng túng, chưa đồng bộ”, ĐB tỉnh Phú Yên dẫn chứng.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thái Học, chính từ việc công tác kiểm tra, đôn đốc, quy trách nhiệm và xử lý chưa được thường xuyên và nghiêm túc như đánh giá của Ủy ban TVQH nên đã dẫn đến hệ quả là nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế được phát hiện nhưng chậm xử lý.
“Nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong thời gian dài nhưng đến nay chưa có khắc phục triệt để. Chính phủ cho biết, tính đến tháng 6/2014, nợ xấu xây dựng cơ bản lên tới hơn 44.000 tỷ đồng. Báo cáo nêu tên 16 tỉnh, thành có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, cá biệt, số nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới trên 3.800 tỷ đồng. Con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong 1 năm. Hay việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, trong đó có việc nhiều lãnh đạo DN nhà nước trì hoãn việc xây dựng đề án tái cơ cấu. Chủ trương thoái vốn đầu tư trái ngành của nhiều tổng công ty còn rất chậm”, ĐB tỉnh Phú Yên lấy ví dụ.
Trong khi đó, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, việc đầu tư công ở chỗ này chỗ khác, ngành này ngành khác có sự tràn lan, vượt quá tầm kiểm soát, thậm chí có những công trình, dự án gây lãng phí sử dụng không hết công năng, chỗ cần thiết thì chưa có, chỗ làm xong lại không có nhu cầu sử dụng gây phản cảm và bức xúc trong xã hội. Do đó, QH, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm đến một số chương trình, mục tiêu kể cả dự án mới nếu được triển khai sẽ tranh thủ được nguồn lực trong nước và quốc tế.
“Với những dự án, công trình mới mang tính đột phá như dự án xây dựng sân bay Long Thành cần được sự đồng thuận ủng hộ để có sự chủ động trong việc thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực từ nhân dân. Không thể để đạt được mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công mà không xót xa với những công trình, dự án ngổn ngang dang dở đang chờ hoàn thiện hoặc bỏ lỡ những cơ hội có tính lan tỏa mang lại hiệu quả lớn trong tương lai”, ông Trương Minh Hoàng nêu ý kiến.
ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) kiến nghị, việc tái cơ cấu đầu tư công cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng cho các ngành có lợi thế; Phân cấp, phân quyền, phân nhiệm rõ ràng theo hướng gắn trách nhiệm của từng cấp chính quyền, chuyển đổi các dự án đầu tư dở dang từ ngân sách nhà nước đối với các dự án có khả năng sinh lời sang tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân thông qua bán, chuyển nhượng công trình coi phần đầu tư của ngân sách là phần đầu tư của nhà nước.
“Địa phương có thể được Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu công trình để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, thanh toán các khoản nợ để hỗ trợ các dự án dở dang. Tái cơ cấu đầu tư công phải tính đến các yếu tố vùng miền và các ngành, lĩnh vực quan trọng có thế mạnh trong phát triển dài hạn của đất nước, đặc biệt cho các tỉnh còn khó khăn cho lĩnh vực nông nghiệp, y tế và khoa học công nghệ…”, ông Quang nói.
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), cơ cấu kinh tế chưa phát huy tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi, hiệu suất năng suất lao động Việt Nam thấp hơn với năng suất lao động các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân của hạn chế đó là trong chỉ đạo điều hành chưa thực sự quyết liệt của một bộ phận người đứng đầu của các cơ quan chức năng và DN nhà nước; chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc cổ phần hóa và sắp xếp lại DN nhà nước.
Chính phủ cần tạo sự mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để các bộ, ngành, địa phương phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động của DN nhà nước; Cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo, ngành nghề liên quan. Ví dụ, điện lực lại đầu tư sang lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. Đồng thời, cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chủ sở hữu, từ đó tránh dựa dẫm, ỷ lại, xin cho; Nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động doanh nghiệp; Phải đổi mới quản trị DN chưa mang lại hiệu quả cao, lời giả, lỗ thật” bà Khá nêu ý kiến.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng, nền kinh tế là một thể thống nhất. Việc tập trung ưu tiên vào 3 lĩnh vực trọng điểm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng) là cần thiết nhưng không thể không tiến hành tập trung tiến hành tái cơ cấu lao động, tái cơ cấu bộ máy nhà nước, tái cơ cấu kinh tế vùng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
“Tư tưởng tái cơ cấu là việc của trung ương còn khá phổ biến nên việc triển khai và kết quả đạt được của tái cơ cấu ở địa phương còn mờ nhạt”, ông Hùng nhận xét.
Ngoài ra, ĐB tỉnh Cao Bằng cũng chỉ rõ, tái cơ cấu thực chất là một sự đột phá. VAMC là sáng kiến hay nhưng chưa có cơ chế. Nhà nước phải vừa giữ vai trò tổ chức thực hiện một số vấn đề trọng điểm, vừa định hướng dẫn đường cổ vũ cho cả hệ thống để đảm bảo một cách hiểu, cùng vào cuộc.
“Chính phủ lập ngay nhóm công tác về tái cơ cấu đúng đầu là Phó thủ tướng chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, triển khai công tác tái cơ cấu, hàng quý báo cáo công tác tại phiên họp Chính phủ. Hàng năm Chính phủ báo cáo trước QH về kết quả tái cơ cấu vào kỳ họp cuối năm; Xây dựng cơ chế chính sách phát triển thị trường mua bán nợ phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút nguồn lực không nhỏ trong xã hội”, ĐB tỉnh Cao Bằng đề nghị.
Đã đến lúc mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích “Đã đến lúc cần phải mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích. Nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn; phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn Nhà nước phải là ông chủ thực sự chứ không phải ông chủ hờ, thụ động, chờ đợi, đi xin kế hoạch, xin vốn”. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) |
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận