Khó xử lý người tố cáo sai sự thật - Tranh minh họa: Minh Gia |
Trước mỗi kỳ đại hội hay bầu cử, thường xuất hiện rất nhiều đơn tố cáo. Trong số này có những tố cáo đúng, nhưng cũng có nhiều tố cáo sai sự thật khiến người bị tố cáo mất cơ hội, thậm chí “thân bại danh liệt”.
“Dính” tố cáo sai, vuột mất cơ hội
Cuối tuần qua, trình bày Tờ trình dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, trong những năm qua, các cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, lâu nay vẫn có một thực trạng trước mỗi kỳ bầu cử hay bỏ phiếu tín nhiệm là xuất hiện nhiều đơn tố cáo. Thực tế, không ít người lợi dụng thời điểm này để đưa ra những tố cáo không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cá nhân. Sau đó, khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra vào cuộc thì những người bị tố cáo “oan” ấy đã vuột mất đi cơ hội của mình.
Ngoài việc quy định quyền của người tố cáo như được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập... dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng quy định rõ nghĩa vụ của người tố cáo, trong đó có việc người tố cáo phải cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; Phối hợp với cơ quan giải quyết tố cáo khi có yêu cầu, bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Việc xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo là để tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. |
Một thực tế khác là nhiều người không trực tiếp đứng ra tố cáo mà thường tung tin, dàn dựng, xúi giục để một người nào đó có tiếng nói, uy tín đứng ra tố cáo. Khi vào cuộc làm rõ thì mới thấy người đứng ra tố cáo không hề có mục đích xấu, mà do bị xúi giục.
“Thời tôi còn làm nhiệm vụ, đến kỳ bỏ phiếu bầu Bí thư Tỉnh uỷ của một tỉnh, tôi đã nghe phản ánh thực trạng nội bộ Tỉnh uỷ của địa phương này đang có lục đục, một người có tiềm năng được đưa vào danh sách bầu Bí thư Tỉnh uỷ khi đó cũng bị tố cáo. Tôi trực tiếp tìm đến người gửi đơn tố cáo, thì đây là một vị lão thành, vị này thừa nhận cũng không biết thực hư người bị tố cáo kia có những sai phạm ra sao, chỉ biết thông tin khi Bí thư Tỉnh uỷ đương nhiệm của địa phương cho hay, soạn sẵn đơn để vị này ký. Sau khi tôi yêu cầu các cơ quan kiểm tra vào cuộc thì làm rõ vị Bí thư đương nhiệm vì muốn tái cử mà lợi dụng người khác tố cáo “đối thủ” của mình nhằm hạ uy tín. Kết quả, người bị tố cáo (dù bị tố cáo sai) cũng mất đi cơ hội của mình, còn người chủ tâm tố cáo sai là vị Bí thư kia cũng bị kỷ luật và không tái cử năm đó nữa”, ông Hùng cho biết.
Số liệu tố cáo sai nhiều là vậy, người bị tố cáo sai cũng bị ảnh hưởng lớn như thế, song theo Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền, trên thực tế không xử lý được ai. ”Tôi chưa thấy có trường hợp nào xử lý được người tố cáo sai trong khi đã có cơ chế xử lý rồi. Với những đơn tố cáo chính danh, nếu sau này giả sử kết luận nội dung tố cáo không có căn cứ thì cũng không thể xử lý được, chỉ khi cố tình tố cáo sai sau khi cơ quan kiểm tra, thanh tra đã có kết luận rồi mới có cơ sở xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự”, ông Xuyền nói.
Khó xử lý
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), không phải tất cả đơn thư tố cáo đều xuất phát từ sự phản ánh và nhìn nhận các sai phạm để người đi tố cáo thực hiện việc tố cáo, mà có trường hợp có người cố tình gây khó khăn hoặc chuyên đi tố cáo không đúng sự thật. “Nếu trong tình huống có những người “thành nghề” đi tố cáo sai sự thật nhiều lần thì bản thân cơ quan giải quyết tố cáo cần có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi gây rối, tố cáo sai sự thật. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể phải xử lý hình sự về tội vu khống.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằng, với những trường hợp cho rằng tố cáo sai, thì phải xem xét đơn tố cáo ấy sai một phần hay sai hoàn toàn và nguyên nhân tố cáo sai bắt nguồn từ đâu, vì không có nhiều trường hợp biết sai mà vẫn cố tình đi tố cáo. “Việc tố cáo sai có thể do nhiều nguyên nhân, do nhận thức hoặc do trình độ hiểu biết về pháp luật. Trong những trường hợp ấy thì giải thích cho người đi tố cáo, họ hiểu rồi thì không cần phải xử lý nữa. Còn đương nhiên, những trường hợp cố tình tố cáo sai làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nặng có thể bị xử tội vu khống”, ông Đạt phân tích.
Về việc hiếm có trường hợp tố cáo sai bị xử lý, luật sư Nguyễn Danh Huế (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cùng cho rằng, do bản thân người bị tố cáo cũng muốn “êm chuyện” nên không dám tố cáo ngược lại người tố cáo mình về tội vu khống. Về những nguyên nhân của việc tỷ lệ tố cáo sai còn cao, thứ nhất có thể do người tố cáo thiếu thông tin, và họ tin rằng thông tin họ có là sự thật nên họ đi tố cáo. Thứ hai, có thể do nhận thức, do trình độ pháp luật hạn chế, nhưng cũng rất khó xử lý vì xét theo quy định của pháp luật hiện hành thì họ vẫn có quyền phản ánh thông tin, có quyền khiếu nại, tố cáo, trừ trường hợp cố tình bịa đặt tố cáo sai. Tuy nhiên, để xử lý trường hợp này cũng phải chứng minh được rằng người tố cáo biết chắc rằng thông tin đó là không có nhưng vẫn cố tình bịa đặt thì mới đủ căn cứ khởi tố tội vu khống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận