Đó là chuyện mẹ kế quyến rũ con riêng của chồng, anh em cùng mẹ khác cha ngủ với nhau… Được phóng tác từ tác phẩm “Lôi Vũ” nổi tiếng của nhà văn Tào Ngu (Trung Quốc), bộ phim gây tranh cãi không chỉ bởi bầu không khí u ám, mù mịt cho tương lai của các nhân vật mà còn có nhiều cảnh nóng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, phim nên dán nhãn 18+ và quá ẩu trong khâu kiểm duyệt.
Về điều này, đạo diễn Nguyễn Phương Điền của phim đã đáp trả. Anh cho biết, ê-kíp sản xuất luôn biết giới hạn của truyền hình ở đâu, những cảnh xuất hiện trên phim là buộc lòng phải thêm vào chứ không nhằm mục đích câu khách. Trước khi dựng những phân đoạn, anh đã xem đi xem lại hàng chục lần để xem có bị phản cảm không. Và khi thực hiện cảnh được cho là loạn luân của hai anh em, anh đã giảm nhẹ việc mô tả quan hệ thể xác mà chỉ để hai nhân vật ôm hôn.
Nam đạo diễn cũng mong trước khi nhận xét các phân cảnh này, khán giả nên đặt nó trong bối cảnh, hoàn cảnh của phim. Mối quan hệ loạn luân phản ánh bi kịch của nạn phân biệt giai cấp trong chế độ xưa. “Tôi cũng cam đoan với bạn trước khi lên sóng cả ban biên tập đài truyền hình cũng cân nhắc kỹ lưỡng hơn tôi gấp trăm lần trước khi công chiếu”, đạo diễn Phương Điền nhấn mạnh.
Có thể thấy, khán giả ngày nay đã nhạy cảm hơn trước đây rất nhiều. Họ dường như không chấp nhận những câu chuyện phim quá khắc nghiệt và bạo liệt. Chẳng phải đến “Tiếng sét trong mưa”, một số bộ phim trước đó như “Quỳnh búp bê”, “Người phán xử” cũng gây tranh cãi kịch liệt về những phân cảnh đánh đấm, cảnh nóng trong phim.
Công bằng mà nói, phim ảnh chỉ là một câu chuyện trong tưởng tượng. Khán giả ngày nay đã nhạy cảm hơn xưa rất nhiều. Họ không thể chấp nhận những bạo liệt, không chấp nhận sự táo bạo, chuyện nhỏ có thể hóa thành to qua con mắt đa nghi của nhiều người. Và điều đó có thể kìm hãm sự sáng tạo của các nhà làm phim.
Thế nhưng, suy cho cùng, khán giả cũng có cái lý của mình khi các bộ phim được chiếu trên truyền hình cho mọi đối tượng khán giả, trẻ em có thể vô tư tiếp nhận. Dù khung giờ có thể được lựa chọn không rơi vào giờ vàng nhưng cũng là phim truyện không cảnh báo giới hạn độ tuổi khán giả. Bởi thế, tranh cãi là khó tránh khỏi và cũng đến lúc các nhà đài, nhà làm phim cần cân nhắc cho mỗi sự sáng tạo mang tính táo bạo của mình, để các sản phẩm văn hóa lành mạnh đối với mọi đối tượng tiếp nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận