Những dãy hàng quán đổ sập và ô tô vỡ bung kính sau cơn lốc xoáy bất ngờ |
LTS: 1 ngày sau khi thoát chết trở về từ giữa tâm lốc xoáy, anh Thế Dũng (một nhà báo đang sống Hà Nội) mới có thể bình tĩnh phần nào để chia sẻ những phút giây không thể nào quên vừa trải qua ở Gành Đá Đĩa (Phú Yên).
Những trải nghiệm của anh Dũng có thể sẽ hữu ích với bất kỳ ai trong chúng ta nếu không may lâm vào hoàn cảnh tương tự. Xin giới thiệu bài viết của anh Thế Dũng tới bạn đọc.
...
Đến giờ này, sau 1 ngày rưỡi tôi mới ngồi viết lại trải nghiệm kinh hoàng, có lẽ chính xác là sự hoảng loạn mà tôi cùng nhóm bạn của mình và cả trăm du khách, người dân địa phương đã trải qua khi đứng giữa tâm lốc xoáy tại Gành Đá Đĩa, Phú Yên.
Vợ chồng tôi và 6 người bạn, cùng gần trăm con người đã tận mục sở thị, chính xác là trực tiếp ở giữa tâm lốc xoáy và vô cùng may mắn, có lẽ là nhờ ông bà phù hộ mới thoát chết 1 cách kỳ diệu.
Kỳ diệu bởi mọi thứ bị lốc, gió giật tung lên và cuốn phăng mà không có ai bị tôn cắt ngang người!
Sáng sớm 18/11/2018, tôi cùng vợ và 6 người bạn di chuyển từ Quy Nhơn vào Phú Yên để thăm quan một số điểm du lịch tại đây. Do áp thấp nhiệt đới nên Phú Yên mưa lúc lớn, lúc nhỏ suốt cả chặng đường. Sau khi rời nhà thờ Mằng Lăng, chúng tôi thẳng tiến Gành Đá Đĩa, lúc này trời vẫn mưa không dứt. Cách Gành Đà Đĩa chừng 4km, ngồi ở đầu xe tôi thấy 1 đám mây đen kịt, mang theo cảm giác rất u ám, bất an. Có thể đây là 1 trong những dấu hiệu dự báo sắp xuất hiện 1 cơn lốc xoáy mà chúng tôi không biết.
Bác tài già thấy vậy có hỏi chúng tôi đi tiếp không? Mưa lớn nhưng do không nằm trong vùng dự báo chịu ảnh hưởng bão số 8 (Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu) nên chúng tôi vẫn quyết đến Gành Đá Đĩa lần đầu để tận mắt chứng kiến sự kỳ thú của thiên nhiên.
Có mặt tại Gành Đá Đĩa vào khoảng 10 giờ 10 phút, chúng tôi vào một quán dựng bằng sắt thép, tre gỗ, mái tôn và mua vé vào cổng danh thắng (Ảnh xe máy dựng trước cổng danh thắng, khi này cổng vẫn còn nguyên vẹn).
Nhóm du khách sống sót sau cơn lốc kinh hoàng |
Nhóm khách du lịch không thể quên những phút giây vừa trải qua ở điểm du lịch Gành Đá Đĩa. (Bức ảnh chụp trước khi lốc xoáy) |
Vào 10 giờ 26 phút, tôi đã chụp bức ảnh có người đứng trước cổng danh thắng Gành Đá Đĩa cuối cùng trước khi cơn lốc xảy ra. Trời lúc đó chỉ mưa, gió nhẹ, có lúc trời quang sáng hẳn lên và mưa bớt đi. Đây cũng là dấu hiệu mà mọi người cần chú ý.
Đến khoảng 10 giờ 30 phút chúng tôi di chuyển qua cổng soát vé danh thắng chừng 5m thì gió bất ngờ nổi lên. 4 chiếc ô mang theo gẫy 3. Nhiều người nói nếu di chuyển ra khỏi chỗ này 50m sẽ an toàn.
Thấy gió lớn, chúng tôi quay ngược lại chừng 3-4m tới chỗ chòi canh trạm soát vé (xây kiên cố bằng đá, lợp mái ngói) để sửa ô và nghĩ rằng gió chỉ dừng ở mức này nên đứng chờ. Điều mà chúng tôi không thể ngờ là chỉ chưa đầy 10 giây thì gió bất ngờ mạnh lên đợt thứ 2 và cát bụi bay ào ạt đập vào mặt.
Nhóm 8 người chúng tôi bắt đầu thấy sợ, cả đội lao vội về bức tường chòi canh trạm soát vé. Chúng tôi đứng sát bên nhau nép vào bức tường để tránh cơn gió từ phía biển hướng đến phía bên kia chòi canh lao tới. Đây là đợt gió thứ 2 và mạnh hơn nhiều đợt đầu. Lúc này không ai trong đoàn và cả khu du lịch Gành Đá Đĩa có thể hình dung ra 1 cơn lốc sắp quét tới đây và nguy hiểm sắp cận kề.
Khi còn đang núp vào nhau để tránh gió giật, tôi còn bình tĩnh quan sát, thấy phía sau là cây đổ ngả nghiêng, dây điện chập vào nhau toé lửa, mái tôn, công trình xung quanh bắt đầu bị tung giật. Cô nhân viên bán vé trong chòi canh còn dùng điện thoại quay khủng cảnh, tôi thì chẳng thể có phản xạ nghề nghiệp.
Vợ tôi và cả nhóm bạn (8 người) chỉ kịp tóm lấy nhau. Bức tường hẹp lại không có chỗ bám cho cả đội nên người ngoài cùng phải ôm chặt người lớp thứ 2 và người lớp trong cùng là ôm tường, ôm cửa chòi canh. Tôi đứng ở lớp thứ 2 còn vợ ở phía sau. Mọi người bắt đầu sợ hãi bởi đây là lần đầu tiên thấy gió lớn như vậy dù đã đi biển có bão nhiều lần. Người đứng sát tường đập cửa, tôi cũng gào lên nhờ mở cửa nhưng lúc đó cô bán vé và anh bảo vệ đã chui xuống gầm bàn không dám thò mặt ra mở cửa! Gió và tâm lốc đến quá nhanh, chúng tôi gần như không nghĩ được gì.
Có lẽ tôi chỉ nhớ được vài chi tiết và khung cảnh xung quanh đến lúc này vì ít giây sau đó khi tâm lốc đến là sự hoảng loạn, âm thanh va đập và cơ thể thì đông cứng, chết lặng.
Chỉ vài giây sau, có lẽ vào khoảng 10 giờ 32 phút, cơn lốc xoáy, con quái vật thiên nhiên thật sự xuất hiện.
Gió mạnh rát mặt (có thể do cát bụi, nước mưa), mọi thứ xung quanh bị giật tung lên, tôi đứng ở lớp thứ 2 hét to mọi người bám chặt vào nhau. Nhưng gió quá mạnh, người tôi gần bị hút ra, còn vợ tôi cùng 2 cô bạn gái, 1 thanh niên cao 1,75m bị hút văng ra khỏi nhóm.
Hai người bạn gái bị gió nhấc lên đập xuống đất nhiều lần. Một người được chồng kịp phản ứng lao đến đè lên vợ, người còn lại gào thét bám vào mặt đất.
Vợ tôi bị thổi xa nhất nhưng số phận đã không mang cô ấy đi xa hơn khi cơn lốc đã thổi cô vào 1 cột bê tông của cổng danh thắng với dây leo chằng chịt bao quanh.
Chính những dây leo này là chỗ để vợ tôi phản xạ bám được vào. Áo mưa trên người vợ tôi bị xé toang không còn 1 mẩu, mặt và người bị đập vào cột thâm tím, chân tay sứt sẹo, bong móng, lồi thịt vì bị gió quật xuống nền đất. Cả người vợ tôi là những chấm đỏ, tím có thể do nước, cát với sức gió mạnh quật vào. Giầy cũng bị gió thổi bay mất dạng.
Vợ tôi ở giữa tâm lốc bên cạnh cô ý là một vòng xoáy nước với những hạt nước li ti. Còn xung quanh cả chục lều quán bị hất lên, dập xuống và san phẳng, tôn, bàn ghế… bay rào rào.
Ngay gần trên đầu vợ tôi 1 thanh gỗ lớn rơi xuống gần chạm đất được níu lại bởi những sợi cước, mái ngói chòi canh cũng lơ lửng bập bênh trên đầu chúng tôi.
Xung quanh là sự đổ nát, khu vệ sinh của quán 15 phút trước tôi còn ngồi trong đó chỉ còn là mặt phẳng.
Không thể nhớ chính xác hết toàn bộ chi tiết nhưng khi tâm lốc lao đến chừng 1-2 phút nhưng nó thật sự khủng khiếp. Bởi khi gió hết, cả nhóm còn hoảng loạn chưa thể phản ứng, cũng không dám chạy ra khỏi khu vực vì lo cơn lốc xoáy có thể bất ngờ quay lại.
Người chúng tôi gần như đông cứng trong mấy phút và đến sau này chúng tôi kể lại với nhau là “vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra lúc đó” - “chúng ta đã gặp lốc xoáy, may mắn diệu kỳ là được chứng kiến và thoát chết”.
Điều làm tôi sợ hãi nhất khi hoàn hồn trở lại là nghĩ tới 1 đoàn trên xe 54 chỗ và 2 xe nhỏ khác đi phía sau chúng tôi. Liệu họ có chết hết, vì tôi nhớ họ đã xuống quán ngồi mà giờ đây xung quanh đã bị san phẳng.
Khoảng 1 phút sau thì hàng chục người đổ xuống từ mấy chiếc xe (có đoàn vừa đến chưa kịp ra khỏi xe), họ lao về phía chòi trạm soát vé, nơi có còn sót lại sau trận lốc. Hàng chục người máu chảy trên đầu, mặt, người. Trong đó có cả những cháu bé. Tôi đếm được có khoảng 20 cháu bé, nhiều bé 1-2 tuổi.
Họ kể lại và tôi thấy chỉ có ông trời đã cứu họ khi cả xe đã xuống quán ngồi rồi lại đưa trẻ con lên lại xe vì mưa lớn và lốc xoáy bất ngờ ập đến.
Họ chỉ kịp nằm đè lên đám trẻ trên xe và gió kéo theo mọi thứ làm vỡ toàn bộ kính. Những vết thương họ gặp phải là do kính và vật nhọn đâm vào. Một người trong đoàn thất thần kể họ đã nghĩ đến cái chết và chuẩn bị lao ra khỏi xe khi thấy xe của mình bị gió di chuyển về phía biển toàn đá!
Còn những người chủ, nhân viên các quán thì gào khóc vì toàn bộ tài sản, hàng hoá giờ chỉ là là bãi đất trống ngổn ngang. Những chiếc xe ô tô bị vùi trong lán, cửa kính tan tành, thân xe bẹp, móp khắp nơi…
Tôi hô hoán mọi người đưa các cháu bé, những người bị thương vào khe đá trang trí của cổng danh thắng và trạm soát vé. Tôi cũng ngay lập tức gọi bác tài xế (người ở lại trong quán và may mắn thoát chết với bàn tay bé bét máu do tôn cắt) là xe có đưa mọi người ra khỏi khu vực này không vì biết đâu cơn lốc trở lại.
Bác này nói xe hỏng hết rồi và cuống cuồng tìm điện thoại gọi người thân.
Tôi hô mọi người trong đoàn và người xung quanh di chuyển thật nhanh đến ngôi nhà trắng kiên cố cách đó chừng 100m nhưng không ai đủ dũng cảm chạy đến đó vì lo lốc quay lại, họ túm tụm nơi cổng soát vé.
Rất may lốc không quay lại và thực tế lốc đi qua sẽ không thể quay lại chứ quay lại thì không biết chuyện gì đã xảy ra.
Phải 15-20 phút sau, khi không còn biểu hiện nguy hiểm, cả trăm con người mới đủ dũng cảm chạy về phía trạm bảo vệ kiên cố phía sát bờ biển.
Không thể nhớ chính xác từng chi tiết nhưng chỉ chừng 2 phút khi ở trong tâm lốc xoáy, tôi và vợ cùng cả trăm con người có thể gặp hiểm nguy bởi gió cuốn đi hay bị xé nát bởi những mảnh tôn, sắt thép, cây cối…
Nếu cơn lốc đứng lại thêm 1 phút và duy trì mức gió mạnh nhất thì chắc chắn chòi canh và cổng danh thắng với mái ngói, cửa kính, cây gỗ hàng chục kg hay tôn sắt xung quanh sẽ không thể chống đỡ và có thể xé nát, kéo văng chúng tôi xuống biển.
Tôi nhờ đồng nghiệp và nhiều người tại hiện trường đã gọi chính quyền địa phương đến đưa dân đi cấp cứu và ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng phải gần 1 tiếng sau mới có sự xuất hiện của những người đầu tiên và phải hơn 1 tiếng sau mới có xe cấp cứu đầu tiên đến.
Bác tài xế của chúng tôi gọi được người thân đi xe bán tải đến, 10 người (bao gồm cả cậu lái xe đến ứng cứu) chúng tôi chen chúc trên xe, 3 người phải ngồi trên thùng xe trong mưa gió lao trên đường, với dây điện, cột điện, cây cối đổ căng ngang… Chúng tôi chạy trong lo lắng bấn loạn, nỗi lo có thể thừa nhưng thực sự logic với những gì vừa diễn ra. Chỉ có tôi và người đứng sát tường không bị thương, điều đó thật kỳ diệu đối với tôi đến tận phút này.
Với những gì vừa trải qua, tôi thật sự mong các bạn nếu thấy bão đang đến hay thấy bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào của thời tiết, hãy tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Hãy tham khảo các kinh nghiệm ứng phó với lốc xoáy trên báo chí và internet, hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết, nó có thể cứu sống bạn trong một khoảnh khắc nào đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận