Bộ trưởng Y tế yêu cầu tổng lực "hạ hỏa" SXH tại Hà Nội, nơi có 7 ca tử vong vì bệnh này |
"Tổng lực hạ hỏa SXH tại Hà Nội" là yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra với ngành Y tế Hà Nội trong cuộc họp khẩn tăng cường đáp ứng phòng chống SXH trong chiều muộn 10/8.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số bệnh nhân mắc SXH được tích lũy từ đầu năm đến nay hơn 13 nghìn ca, trong đó 7 bệnh nhân tử vong. Các ca mắc trong các tuần vẫn tăng liên tục. “Các biện pháp đều đã làm rất đầy đủ nhưng tình trạng SXH vẫn gia tăng. Ngoài lý do khách quan về biến đổi thời tiết, môi trường, mật độ dân số đông, phát hiện đồng thời nhiều type virus khiến tỷ lệ mắc nhiều hơn. Nhưng lý do chủ quan là tất cả các biện pháp phòng chống dịch dựa vào cộng đồng thực sự làm chưa triệt để. Còn muỗi, bọ gậy thì SXH còn tăng”, ông Hạnh thừa nhận.
Ông Hạnh cho biết thêm, để dập dịch, hiện giải pháp của Hà Nội vẫn tập trung diệt bọ gậy và muỗi. Trước kia làm theo đoàn thể diệt chỉ theo phong trào, giờ thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch SXH, mỗi đội 2-3 người có sức khỏe, có trách nhiệm, thông thạo địa bàn (từ cộng tác viên y tế hoặc từ đoàn thể ở địa phương), phụ trách từ 30-50 hộ gia đình. Mỗi đội vào hộ gia đình 7 ngày 1 lần tuyên truyền và diệt bọ gậy. Đến nay 25/30 quận, 308/500 xã phường đã thành lập đội này. Đồng thời, có đội giám sát đội xung kích để kiểm tra. Hiện có 150 đội và 2 ôtô phun hóa chất…
“Nếu không làm triệt để, tình hình dịch vẫn còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khó tiên lượng vì thời tiết mưa nắng thất thường”, ông Hạnh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, mọi năm miền Bắc thường tỷ lệ mắc và tử vong do SXH thấp nhất. Tuy nhiên, năm nay Hà Nội lại cao nhất miền Bắc, với số người mắc và nhập viện quá tải.
Lý giải về hiện tượng quá tải bệnh nhân mắc SXH tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thường, Phó giám đốc BV SaintPaul cho rằng, có những bệnh nhân sau điều trị cấp được chuyển về tuyến dưới nhưng không chấp nhận, nằng nặc đòi ở lại viện hoặc trong quá trình điều trị ngoại trú, bệnh nhân không yên tâm, liên tục tới viện thăm khám hàng ngày... bệnh nhân thiếu tin tưởng vào các bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện tuyến dưới và các trạm y tế xã phường.
Cũng theo nhận định của ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, nếu không kịp thời có biện pháp quyết liệt để dập dịch SXH thì chỉ sang tháng khi sinh viên các tỉnh về Hà Nội nhập học, sẽ không lường trước được dịch gia tăng và bùng phát mạnh đến mức nào.
Trước tình hình bệnh dịch SXH bùng phát không có dấu hiệu hạ nhiệt tại Hà Nội, bà Tiến cho rằng giai đoạn này phải tổng lực hạ hỏa dịch. "Phối hợp phun trong nhà theo đúng kỹ thuật và phun ôtô mở rộng. Đề nghị phun ở chợ, bệnh viện, trạm y tế xã phường, trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng… nơi được coi là ổ truyền nhiễm 3 lần/tháng. Nếu Hà Nội không đủ lực lượng, kêu gọi hỗ trợ, huy động từ các tỉnh xung quanh chưa có dịch. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng; nếu bị bệnh, đến cơ sở y tế gần nhất, và nhập viện khi cần thiết, không nên tập trung vào nơi lây chéo. Để giảm tải cho 5 bệnh viện lớn của Hà Nội và bệnh viện tuyến trung ương, ngành y tế Hà Nội cần huy động các bệnh viện khác, các trung tâm y tế xã phường gánh tải. Không để bệnh nhân phải nằm ghép, đồng thời tránh tình trạng dịch chồng dịch tại các cơ sở y tế", bà Tiến nói.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 7 trường hợp. Hà Nội có số mắc SXH tuyệt đối đứng thứ 2 sau Tp. Hồ Chí Minh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận