Ảnh minh họa |
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL, Bộ Tư pháp) đã chính thức có ý kiến về việc kiểm tra Công văn số 5290/UBND-CNTM ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh và Công văn số 1747/UBND-KTN ngày 14/5/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc hỗ trợ sử dụng xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh để xây dựng các công trình bê tông hóa mặt đường GTNT.
Theo đó, về hình thức, hai Công văn này là văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nhằm “hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ” (bia và xi măng). Tuy nhiên, nội dung Công văn lại đưa ra một số quy định mang tính QPPL, yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh phải “ưu tiên” dùng, giới thiệu, “quan tâm”, “tạo điều kiện thuận lợi về địa điềm kinh doanh”, “hỗ trợ thị trường” cho nhà sản xuất tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trong tỉnh; yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện “ký hợp đồng mua xi măng với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2”; yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 “cung cấp kịp thời thông tin giá sản phẩm xi măng cho UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan của tỉnh khi có yêu cầu”, “tổ chức mở rộng đại lý phân phối xi măng tại trung tâm các huyện, thành phố”...
Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, những nội dung nêu trên mang tính QPPL, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phải thực hiện. Theo quy định tại Luật ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL thì những nội dung trên thể hiện trong văn bản hành chính là chưa phù hợp về hình thức văn bản.
Về nội dung, việc UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra nội dung chỉ đạo nêu trên là không có căn cứ pháp lý. Mặt khác, những nội dung chỉ đạo này đã tạo ra sự “phân biệt đối xử”, “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp sản xuất bia, xi măng ở Việt Nam, trái với quy định tại khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013: “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”; Điều 10 Luật Thương mại: “Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại” và đặc biệt là Điều 6 Luật Cạnh tranh “Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: 1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định…; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp …”.
Như vậy, việc UBND tỉnh Nghệ An và Quảng Nam đưa ra chỉ đạo nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; mặt khác, sẽ tạo ra hình ảnh và môi trường đầu tư, kinh doanh không bình đẳng; tạo ra lợi ích cục bộ, địa phương. Những nội dung này cần phải được xem xét xử lý kịp thời, tránh tạo ra tiền lệ không tốt nếu nhiều địa phương cũng có chủ trương tương tự.
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành tự kiểm tra, hủy bỏ nội dung chưa phù hợp tại Công văn số 5290 và Công văn số 1747; thông báo kết quả xử lý sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định tại Nghị định 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận