Bay xuyên năm cũ sang năm mới
Lật dở cuốn lịch để bàn, cơ trưởng Quốc Bảo chăm chú kiểm tra lại lịch bay dịp Tết Nguyên đán đã được sắp sếp. Vốn đã quen thuộc với những khoảnh khắc đón Giao thừa "trên mây", nhưng thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới vẫn luôn mang đến cho anh những kỷ niệm chẳng thể quên.
Cơ trưởng Phạm Quốc Bảo
Một trong những hình ảnh được anh lưu giữ mãi là chuyến bay từ Sài Gòn đi Huế chiều tối ngày 29 Tết năm 2018. Sau khi máy bay hạ cánh và hành khách xuống tàu, có một bà cụ gần 80 được cháu đỡ đứng chờ xin gặp cơ trưởng.
"Khi gặp tôi, cụ chia sẻ rằng mừng lắm vì cụ sống ở nước ngoài và có lẽ đây là dịp cuối cùng trong đời cụ được về thăm quê, được đoàn tụ với người thân trong gia đình, cụ nắm tay cảm ơn mà mắt cứ rơm rớm. Lần đầu tiên trong đời bay, tôi cảm thấy xúc động đến vậy. Nước mắt chỉ trực rơi.
Người già gần đất xa trời luôn nói những lời chân tình và cảm động nhất. Lời chia sẻ làm cho tôi cảm thấy thật tự hào và vinh dự vì mang lại niềm hạnh phúc đoàn viên cho mọi người. Đồng thời cũng thôi thúc tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với những chuyến bay an toàn", anh Bảo chia sẻ.
Nói thêm về công việc của mình, cơ trưởng Quốc Bảo chia sẻ: Nghề bay đòi hỏi sự chính xác và liên tục thích ứng với các thay đổi.
Khó khăn lớn nhất với mỗi phi công là những trường hợp phải đối diện với những tình huống không có trong sách vở hay giáo trình nào cả. Khi đó, bản thân phải dựa vào kinh nghiệm và sự phối hợp ăn ý với đồng nghiệp trên một tiêu chí cao nhất về an toàn.
"Chúng tôi ko đánh đổi sự an toàn với bất cứ giá trị nào khác. Đó chính là tôn chỉ của nghề bay", nam cơ trưởng nói.
Để theo kịp nghề, mỗi phi công phải luôn xác định phải học nữa, học mãi, không phân biệt lứa tuổi
"Chúng tôi phải học xử lý một tình huống hỏng hóc của máy bay khi mà có vô vàn các vấn đề khác xung quanh ảnh hưởng. Điều ấy đòi hỏi người phi công phải thật tập trung và đặc biệt bình tĩnh, tự tin. Những điều này chỉ có được khi bạn thực sự nắm chắc và hiểu sâu về kỹ thuật và phương thức vận hành”, cơ trưởng chia sẻ.
Cũng theo anh, xã hội thay đổi từng ngày, tiến bộ khoa học kỹ thuật liên tục phát triển phục vụ con người và ngành hàng không cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Các đội tàu bay liên tục phát triển và hiện đại hơn, trang thiết bị máy móc ngày càng tinh vi hơn và theo đó là kiến thức vận hành sẽ ngày càng nhiều. Và để theo kịp nghề, mỗi phi công phải luôn xác định phải học nữa, học mãi, không phân biệt lứa tuổi.
"Đối với nghề này câu tâm đắc nhất chắc có lẽ là: “Học, học nữa, học mãi…". Có về hưu cũng phải học là câu nói vui của những phi công đã đến tuổi hưu nhưng câu nói ấy cũng phản ánh chính xác nhất về việc bạn sẽ bị tụt lại phía sau nếu không liên tục làm mới bản thân".
Những cảm giác đan xen khó tả trong khoảnh khắc Giao thừa
Kỉ niệm chuyến bay xuyên Giao thừa 2018 của tiếp viên Lưu Công Minh năm 2018
Cũng như cơ trưởng Quốc Bảo, sau 14 năm gắn bó với công việc của một tiếp viên, tiếp viên trưởng Lưu Công Minh cũng có không ít lần đón Giao thừa trên mây.
“Những chuyến bay Tết thường mang lại cho tôi những cảm giác đan xen khó tả. Đó là cảm giác hân hoan khi Tết đến, xuân về. Đó cũng là nỗi nhớ nhà da diết, mong muốn sớm được sum vầy, đoàn tụ với gia đình. Đó cũng là cảm giác được vui chung niềm vui được đoàn viên với gia đình như các hành khách trên chuyến bay”, anh Minh nói và chia sẻ: Tôi vẫn nhớ mãi chuyến bay từ Vinh đi TP.HCM ngày 30 Tết năm 2015. Lúc đó chúng tôi dự kiến đáp lúc 22h00, vẫn kịp thời gian về đón Giao thừa với gia đình.
Tuy nhiên, do thời tiết tại sân bay Vinh không tốt nên máy bay cất cánh muộn. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất cũng là lúc đồng hồ điểm 12h đêm. Khoảnh khắc Giao thừa, sau lời chúc năm mới, cơ trưởng thông báo cho phi hành đoàn và hành khách nhìn ra cửa sổ để thấy pháo hoa được bắn từ một vài điểm trong thành phố. Cảm giác hân hoan khó tả. Hành khách trên chuyến bay vỗ tay rất nhiều.
Kỉ niệm chuyến bay Vinh 2015, đón Giao thừa trên chuyến bay của tiếp viên Lưu Công Minh
Làm việc tại ngành hàng không là mơ ước của không ít người, tuy nhiên, làm việc theo ca kíp và khung thời gian ngoài hành chính thì không phải ai cũng dám đánh đổi. Năm nay, anh Công Minh sẽ tiếp tục đón Tết “trên mây” bởi anh có lịch bay quốc tế vào 28 Tết.
Tôi lại có một cái Tết xa nhà. Nhưng tôi vẫn thấy vui vì sẽ lại được có một cái Tết với gia đình thứ 2 của tôi, những đồng nghiệp trên chuyến bay. Chúng tôi sẽ luôn trân trọng những thời khắc kỉ niệm này và hoàn thành chuyến bay đầu năm mới một cách tốt đẹp nhất”.
Tiếp viên trưởng Công Minh thường đùa rằng vì bản thân bắt đầu học tiếp viên cơ bản vào đúng ngày sinh nhật Bác 19/5/2008 nên bản thân luôn phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba bình thường để sau này nhìn lại thì đó sẽ là cột mốc “khắc cốt ghi tâm”.
Vượt qua năm 2021 nhiều “giông bão”, Phòng đào tạo - Đoàn tiếp viên nơi TVT Công Minh đang công tác cũng gặp phải nhiều khó khăn. Các lớp học phải liên tục thay đổi phương thức đào tạo cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.
Trong “nguy có cơ”, đó dường như là bài học mà anh rút ra trên hành trình vượt khó cùng những cánh bay. Xuyên suốt hành trình 365 ngày nhiều gập ghềnh ấy, niềm tự hào khi được tham gia vào tổ bay đưa hành khách sang Mỹ năm 2022 chính là dấu ấn đáng nhớ nhất.
“Năm tôi vào học tiếp viên cơ bản (2008), lúc đó các bạn tiếp viên đang học môn võ tự vệ để thực hiện đường bay đi Mỹ nhưng phải sau 13 năm, chuyến bay thương mại đầu tiên đến Mỹ mới chính thức được khởi hành. Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên được cấp phép và thực hiện bay đến Mỹ, tôi càng cảm thấy tự hào hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận