Bộ phim truyền hình "Về nhà đi con" của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng do VFC sản xuất đang gây “bão” khi sở hữu lượng người xem “khủng” cũng như hiệu ứng sau mỗi tập phim. Trong giờ chiếu, khán giả xem qua ứng dụng của VTV thường xuyên bị nghẽn mạng.
Như báo Giao thông đã đưa tin, theo bảng giá quảng cáo của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam, với thời lượng quảng cáo khoảng 8 phút mỗi tập thì nhà sản xuất (NSX) "Về nhà đi con" thu về khoảng 1-1,5 tỷ đồng.
Mới đây nhất, NSX thông báo phim “Về nhà đi con” sẽ có tổng cộng 85 tập chứ không phải 68 tập như thông báo trước. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà đài sẽ thu về khoảng 85-125,5 tỷ tiền quảng cáo.
Trong khi đó, theo tiết lộ từ một NSX giấu tên, theo thị trường kịch bản hiện nay, 1 tập phim dài 45 phút, mất chi phí từ 120 triệu - 180 triệu/ tập tùy thể loại phim và bối cảnh. “Về nhà đi con” là thể loại phim tâm lý gia đình, bối cảnh đơn giản, nhân vật quần chúng không nhiều, trang phục không được đầu tư quá nhiều đồ hiệu...nên chi phí sẽ dao động trên dưới 120 -150 triệu/tập.
Trong đó, chi phí cho kịch bản 1 tập phim dài 45 phút ở mức 7-8 triệu đồng. Mỗi diễn viên chính, ước tính chừng trên 200 triệu đồng/bộ phim.
Tạm tính chi phí với 85 tập phim dài hơn 20 phút như "Về nhà đi con", bộ phim sẽ mang về bộn tiền cho nhà đài.
Điều đó còn chưa kể phim sẽ được tài trợ một khoản chi phí không nhỏ từ các nhãn hàng để được xuất hiện trực tiếp trong phim. Chẳng hạn, trong tập 72, cảnh Huệ (Thu Quỳnh) được bạn của Quốc (Tuấn Tú) giới thiệu đến một ngân hàng để vay vốn mở quán trà được cho là tranh thủ PR cho đơn vị này.
Trong gần 1 phút, các cảnh quay trực diện trụ sở, logo của ngân hàng, nhân viên tư vấn cho Huệ. Đồng thời tên gói dịch vụ vay ưu đãi cũng được quay cận cảnh. Cùng với các cảnh quay, phần thoại của nhân vật cũng PR cho thương hiệu với những lời có cánh.
Không những vậy, trong tập 77, hình ảnh ngân hàng này tiếp tục xuất hiện trong tập 77. Theo đó, Vũ (Quốc Trường) đến ngân hàng này vay tiền khi công ty rơi vào tình cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản.
Việc quảng cáo cho các sản phẩm, nhãn hàng trong phim ảnh là điều dễ hiểu. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà được áp dụng ở nhiều quốc gia khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc... Đây cũng là cách giúp nhà sản xuất có thêm kinh phí để tái đầu tư phim.
Tuy nhiên, việc quảng cáo thế nào cho tinh tế, không trở thành phản cảm và bị coi là "quá lố" là điều nhà sản xuất nên cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến sản phẩm nghệ thuật của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận