Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Sáng nay (27/1), ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội XIII về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chúng ta càng thành công, các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá
Thưa ông, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được coi là một trong những vấn đề trọng tâm và hết sức quan tâm. Vậy thời gian qua, vấn đề đó đã được Đảng ta triển khai như thế nào?
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển của Đảng ta. Trong suốt quá trình phát triển đất nước, đặc biệt 5 năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa XII "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", công việc này được triển khai bài bản, hệ thống, nhất quán và đặc biệt là rất quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Chúng ta đã giải quyết mối quan hệ rất tốt giữa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, phát triển đất nước, đồng thời là những kết quả rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua.
Có thể nói, đây là kết tinh của trí tuệ, sức sáng tạo và khẳng định rằng, chúng ta dựa trên nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc của Đảng và thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo. Đây là nội dung rất quan trọng để thực hiện việc xây dựng Đảng toàn diện, cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ và đã mang lại kết quả rất tích cực
Điểm thứ hai là xây dựng được một mạng lưới đấu tranh cả trên các loại hình báo chí cũng như trên mạng xã hội. Đây là điểm rất mới, chúng ta xây dựng luận cứ để có đấu tranh thật sự thuyết phục và hiệu quả, nhất là trên mạng xã hội, để đông đảo tất cả mọi người hiểu sâu được quan điểm, đường lối của Đảng.
Cùng với đó, chúng ta đấu tranh trực diện với những luận điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh này phải thiết thực, đồng bộ cả việc xây dựng các luận cứ cho đấu tranh cũng như các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng.
Thứ ba, chúng ta thực hiện các giải pháp về kinh tế, tài chính, kiểm soát dòng tiền mà các trang mạng xã hội bị các thế lực này thông qua thực hiện các mục tiêu chống phá. Đây là những kết quả rất thành công của chúng ta trong thời gian vừa qua.
Bước vào Đại hội, có thể nói là gần như 80-85% các thông tin xấu độc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị gỡ bỏ.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là các thế lực thù địch vẫn không ngừng có những hành động chống phá. Vậy chúng ta phải tiếp tục công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như thế nào?
Chúng ta càng thành công thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá vì chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta. Bởi trong bối cảnh mới hiện nay, thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự đoán và thế giới đang đi đến rất nhiều những giá trị mà nó không còn theo những cách nhìn nhận như trước đây.
Ngoài ra, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa nước lớn... đang chi phối rất mạnh, các thế lực thù địch cũng dựa trên nền tảng công nghệ mà rõ ràng công nghệ này có hai mặt, một mặt mang đến cơ hội mới nhưng cũng mang rất nhiều thách thức mới. Do đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá, sử dụng tất cả những công nghệ mới để chống phá chúng ta một cách rất tinh vi nên cuộc đấu tranh này sẽ bền bỉ, thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ.
Tôi đã nói nhiều lần là chả có lý do gì để chúng ta không làm nên kỳ tích phát triển cả. Một dân tộc có truyền thống, một dân tộc chung lưng đấu cật, đồng lòng và sức mạnh như lời Bác Hồ nói, dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, hay có khó khăn, thử thách thì tinh thần lại sôi nổi, kết nối thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn. Đối với đói nghèo chúng ta phải khắc chế được để trở thành một cường quốc như Bác Hồ nói là sánh vai các cường quốc năm châu.
Tôi muốn nói đến vai trò của những người làm công tác lý luận xây dựng luận cứ, vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông. Chúng ta phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý để bảo vệ vững chắc tất cả những hành động của chúng ta, đồng thời để đấu tranh với các thế lực thù địch để làm thế nào vừa răn đe, cảnh báo nhưng cũng xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, như vậy mới nghiêm được.
Chiêu trò của các thế lực thù địch rất đa dạng, âm mưu ghê gớm, đặc biệt là sử dụng các trang mạng, có kịch bản, thậm chí xây dựng giao diện tương tự giống chúng ta để làm lẫn lộn, mơ hồ và nhân dân nhiều khi không biết được đâu là đúng đâu là sai. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và càng khẳng định cái đúng, cái mới, cái hay, những mô hình, cách làm tốt để đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái.
Xây dựng thể chế để không dám và không thể tham nhũng
Nhiệm kỳ vừa qua được đánh giá là niềm tin trong nhân dân với Đảng ngày càng tăng, nhờ vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng. Ông đánh giá điều này thế nào và thời gian tới chúng ta cần làm gì để triển khai hiệu quả công tác này?
Điều này là đúng khi chúng ta coi công tác xây dựng Đảng là then chốt. Xây dựng Đảng toàn diện cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ và bám rất sát các nguyên tắc của Đảng.
Và trong nguyên tắc của Đảng có một nội dung mà chúng ta thấy rằng dứt khoát phải quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc phải đoàn kết trong Đảng. Bởi vì chỉ có đoàn kết mới thấy được sức mạnh và thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân chứ không phải chỉ có những người trong Đảng, trong hệ thống chính trị mới xây dựng Đảng.
Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua chúng ta có được những kết quả rất tốt, củng cố được niềm tin, nhưng đấy mới là kết quả bước đầu. Bởi vì điều quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được một thể chế để cho các cá nhân tham gia trong hệ thống chính trị không có cơ hội, không dám và không thể tham nhũng.
Nhắc đến vấn đề thể chế, trong một số cuộc họp về dự thảo văn kiện, nhiều người nhắc đến phải có một nghị quyết về thể chế riêng, về xây dựng đảng pháp quyền bao trùm cả chứ không tách riêng như vậy. Vấn đề này có được đề cập tới tại Đại hội này không, thưa ông?
Tôi nghĩ đấy là điều đầu tiên. Bởi vì tất cả các thảo luận chúng ta hướng vào thể chế phát triển bền vững đất nước mà trong đó nhấn mạnh về thể chế có nghĩa là pháp luật của chúng ta phải đồng bộ. Riêng trong kinh tế thì chúng ta cũng phải đồng bộ.
Ví dụ thế này, hệ thống pháp luật bây giờ muốn có một dự án đầu tư mà khi xây dựng đề án phải chú ý là Luật đất đai, Luật môi trường, Luật xây dựng... Điều đó cho thấy tất cả những nội dung này cần phải đồng bộ chứ không thể có chuyện khi tham chiếu với luật này nó thế nào và luật kia thế nào. Đây là nội dung được coi là đột phá khi hoàn thiện thể chế.
Thứ hai, thể chế đó sẽ giúp tháo gỡ tất cả những điểm nghẽn mà chúng ta không thể huy động các nguồn lực phát triển. Ví dụ như liên quan đến đất đai, liên quan tài chính, nguồn lực đầu tư…
Thứ ba, muốn đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Nhưng nếu như chúng ta không có một thể chế để mà bảo vệ, ủng hộ cái đổi mới sáng tạo thì những người đổi mới, sáng tạo cũng chưa chắc có thể làm một cách tốt nhất. Bởi vì người ta không biết điều đó là có đúng hay không. Cho nên thể chế phải đồng bộ trên tất cả mọi phương diện nhưng phải là các giải pháp hữu hiệu.
Hiện nay, chúng ta là một nhà nước pháp quyền, cũng có người đề xuất đưa ra một nghị quyết riêng như vậy, nhưng việc ban hành một nghị quyết về nhà nước pháp quyền thì phải bàn rất kỹ. Bởi vì thực tế chúng ta dựa trên ba trụ cột. Một là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hai là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thứ ba là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là 3 trụ cột của xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bây giờ nếu nói nghị quyết về nhà nước pháp quyền thì cá nhân tôi cho rằng đấy sẽ là một điểm mà chúng ta phải rà soát rất toàn diện các nghị quyết liên quan đến xây dựng nhà nước pháp quyền từ lập pháp liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, liên quan đến câu chuyện về hành pháp, cải cách tư pháp. Tất cả những nội dung này phải làm một cách kỹ lưỡng, toàn diện.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận