Chiều 8/1, PV Báo Giao thông quay trở lại “xóm biệt thự” không phép ở tổ 9, khu 3, phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Đây là khu vực đồi có nhiều ngôi nhà kiểu dáng biệt thự xây dựng không phép mà báo Giao thông có loạt bài phản ánh và đã bị chính quyền địa phương “ra tay” phá dỡ 1 trong số nhiều căn đang xây dựng vào ngày 22/11/2019.
Tưởng chừng sự vào cuộc của chính quyền UBND TP. Hạ Long cũng như UBND phường Hùng Thắng sẽ mang hiệu quả và có tính răn đe khi “hùng hồn” đưa một chiếc máy xúc đến phá dỡ một phần công trình không phép của hộ gia đình ông Lê Mạnh Hùng (SN 1982) tại thửa đất số 106, tờ bản đồ địa chính số 11 (diện tích 280m2). Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình này vẫn tồn tại móng kiên cố và một phần công trình.
Riêng căn biệt thự không phép diện tích 336m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Mây (SN 1973, có chồng là Lê Văn Hương đang công tác tại Chi cục Thuế khu vực Hạ Long - Hoành Bồ) ở thửa đất số 621, tờ bản đồ địa chính số 11 ở tổ 9, khu 3 lại không bị “sờ gáy” và không có bất cứ động thái can thiệp, phá dỡ nào mặc dù UBND TP. Hạ Long đã có quyết định cưỡng chế. Thậm chí, hộ gia đình này còn thách thức lực lượng chức năng và dư luận địa phương khi vẫn cố tính xây dựng, hoàn thiện các hạng mục trong căn biệt thự rộng lớn có sân vườn, nhà ở, sảnh chơi, chòi nghỉ…
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chiều 8/1, hơn chục công nhân vẫn đang hối hả xây dựng cổng nhà, nền sân, sơn sửa nhà ở tại căn biệt thự của bà Nguyễn Thị Mây. Những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng thường xuyên đổ hàng cho căn biệt thự không phép này.
Ông L. người dân sinh sống sát căn biệt thự này cho biết: “Không hiểu lý do gì mà căn biệt thự không phép này vẫn ngang nhiên xây dựng, dù đã có một căn bị phá dỡ nhưng kiểu cho có. Việc xây dựng nhà lớn trên đồi khiến đất đá trôi dạt xuống cống nước làm tắc cống mỗi khi trời mưa. Người dân chúng tôi rất bức xúc nhưng cũng không làm được gì”.
Bà T. (tổ 9, khu 3, phường Hùng Thắng) cũng cho rằng: "Việc xây dựng không phép của các căn biệt thự này ai cũng biết nhưng chính quyền chưa phá dỡ có thể do được hậu thuẫn".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo, phương án cưỡng chế, tháo dỡ công trình không phép từ UBND TP. Hạ Long”. Đây cũng là câu trả lời của ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND phường Hùng Thắng với PV Báo Giao thông vào tháng 11/2019.
“Do công trình này rất lớn nên để cưỡng chế được không phải cứ mang máy ra mà đập. Chúng tôi cũng đã có báo cáo và chờ chỉ đạo phương án như thế nào”, Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng nói.
Khi PV Báo Giao thông phản ánh tình trạng các hộ gia đình vẫn cố tình thi công khi đã có quyết định cưỡng chế, ông Lâm cho biết: “Đây là việc cố tình của gia đình và chúng tôi cũng đã kiểm tra, ra thông báo rất nhiều lần. Việc gia đình cố tình làm thì mấy hôm nữa cưỡng chế thì gia đình càng thiệt hại thôi”.
Sáng 9/1, PV Báo Giao thông liên hệ với ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP. Hạ Long để tìm hiểu về phương án xử lý vi phạm xây dựng và công tác quản lý của chính quyền địa phương khi để xảy ra vi phạm kéo dài nhưng ông Hà từ chối trả lời.
Liệu rằng, chính quyền địa phương TP. Hạ Long có buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm và chưa minh bạch thông tin dư luận (!?).
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận