Hạ tầng

4 "kịch bản" đầu tư kết nối giao thông miền Trung - Tây Nguyên

19/08/2019, 19:40

Trên cơ sở thực trạng nguồn lực và những dự án ưu tiên, có 4 phương án kết nối giao thông vùng mang tính đột phá được đề xuất.

img
​ Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị báo cáo Dự thảo đề án kết nối giao thông Khu vực miền Trung và Tây Nguyên ​

Nhiều "điểm nghẽn" hạ tầng

Sáng nay (19/8), tại Quy Nhơn, Bình Định, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị Báo cáo Dự thảo đề án kết nối giao thông Khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2021- 2030 với sự tham dự của gần 20 lãnh đạo tỉnh, thành, sở ngành GTVT trên khu vực.

Theo đánh giá, hạ tầng giao thông khu vực thời gian qua có sự đầu tư, nâng cấp nhưng phần lớn còn nhiều "điểm nghẽn", chưa kết nối, đồng bộ. Đặc biệt, chưa có sự kết nối tuyến cao tốc giữa Việt Nam với Lào, Campuchia; kết nối Đông - Tây còn khó khăn; kĩ thuật, chất lượng một số tuyến đường còn hạn chế như QL16, QL8, QL19... Nhiều Cảng hàng không (CHK) đã khai thác vượt công suất thiết kế, chưa có trung tâm logistics hàng không; kết nối CHK Phù Cát còn hạn chế.

Đa số các cảng biển chưa có đường sắt kết nối, chưa có trung tâm ICD, logistics. Thậm chí kết nối giữa một số bến cảng như Tiên Sa, Quy Nhơn với hệ thống đường bộ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, 1462 km đường sắt Bắc - Nam qua khu vực chỉ có hệ thống ga đạt cấp 3, 4; chưa có tuyến đường sắt kết nối với Tây Nguyên. Một số ga trong trung tâm thành phố như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang nhưng không nằm trên tuyến chính; nhiều hầm đường sắt như Hải Vân, Khe Nét đã xuống cấp...

img
Ga Quy Nhơn nằm ở trung tâm TP.Quy Nhơn nhưng không nằm trên trục đường sắt chính và không có kết nối với hệ thống cảng biển

Ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị, cần sớm đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Khánh Hòa để nối toàn tuyến qua Bình Định. Bên cạnh đó, cần tính đến tuyến cao tốc nối Bình Định với Pleiku và các tỉnh Tây Nguyên theo chủ trương của Thủ tướng nhưng chưa thấy đề cập trong đề án ở giai đoạn nào. Tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ GTVT cho chủ trương nâng cấp tuyến QL19B và 19C với tuyến cao tốc lên Tây Nguyên tạo điều kiện kết nối hệ thống cảng, cửa ngõ xuất hàng hóa ra quốc tế.

Đại biểu 19 tỉnh, thành dự hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm kết nối giao thông khu vực, chủ yếu đề nghị đầu tư vào các tuyến quốc lộ, cao tốc, các công trình cảng hàng không, cảng biển, di dời một số công trình đường sắt trên địa bàn như Đà Nẵng, Quy Nhơn.

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, tổng nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 596.900 tỷ đồng.

Cần chủ động thu hút nguồn lực đầu tư

img
Nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị làm cao tốc

Trên cơ sở thực trạng nguồn lực và những dự án ưu tiên, hội nghị đã đề xuất 4 phương án kết nối giao thông vùng mang tính đột phá.

Phương án thứ nhất, triển khai các dự án kết nối vùng mang tính đột phá, nâng cao năng lực kết nối phương thức vận tải với nhu cầu 295.390 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2021 - 2025 khoảng 165 nghìn tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 là 130,8 nghìn tỷ.

Phương án thứ 2 là bổ sung thêm các dự án có nhu cầu kết nối giữa các địa phương, khả năng nguồn lực có thể huy động ở mức lớn hơn (khoảng gần 378 nghìn tỷ đồng).

Phương án 3 là đáp ứng đủ nhu cầu với vốn khoảng 408 nghìn tỷ đồng.

Phương án thứ 4 là dựa trên đề xuất, ý kiến của các địa phương để xem xét, phân bổ nguồn lực.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các vụ, cục đưa ra phương án hiệu quả nhất kết nối giao thông khu vực trong thời gian tới.

"Những vấn đề là điểm nghẽn của địa phương cần được Sở GTVT báo cáo Bộ. Viện chiến lược và Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với tất cả các tỉnh, khảo sát thực tế để có những tổng hợp, đề xuất. Từ đó, Bộ sẽ có những chỉ đạo cũng như xin ý kiến Chính phủ trong việc giải quyết những vướng mắc của địa phương. Phương án thứ tư chính là căn cứ nhu cầu phát triển giao thông của khu vực, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ. Nếu có đủ nguồn lực thì làm theo phương án địa phương đề xuất, nếu hạn chế thì chúng ta bóc tách ra 3 phương án", Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cho biết, với trục dọc, ưu tiên số một là đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến thuộc đường Hồ Chí Minh. Còn liên kết ngang, sẽ có kết nối Đông - Tây nhưng phải kết hợp với các cảng biển lớn. Các tuyến đường ngang cần nối cửa khẩu với cảng biển bởi đây là nơi xuất nhập hàng hóa ra nước ngoài. Nếu liên kết ngang chỉ để đi lại thì không phát huy hết hiệu quả. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu việc đưa đường ven biển vào đề án. Về hàng không, Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động đề xuất kết nối các đường bay quốc tế.

Về dự toán kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu xem xét lại 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy, đường sắt để có hướng điều phối hợp lý, phương án 3 có thể nâng lên 500 nghìn tỷ.

"Các địa phương nên linh hoạt, chủ động giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng. Nếu chỉ chờ vào ngân sách sẽ rất khó triển khai. Địa phương cần có phương án bố trí kinh phí thực hiện một số dự án giao thông quan trọng hợp lý, gắn kết vào các dự án lớn của địa phương, làm động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy tỉnh nhà phát triển", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn các tỉnh cùng tham gia liên kết giao thông vùng. Bộ GTVT sẽ có chỉ đạo sát sao để các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên có điều kiện phát triển giao thông, tạo liên kết khu vực, thúc đẩy kinh tế xã hội trong thời gian tới và tầm nhìn xa hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.