Tàu thuyền ít cập bến dần vì cửa biển cạn
Vào ngày 1/3, PV báo Giao thông đã có bài viết, "nguy cơ bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão 107 tỉ bị cát bồi lắng", phản ánh về việc bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại P. Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư 107 tỉ đồng do Ban Quản lý KKT tỉnh làm Chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bến neo đậu này càng ngày diện tích càng thu hẹp dần do bị cát biển bồi lắng khiến tàu thuyền của bà con ngư dân vùng phía Nam tỉnh Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn; nhiều tàu thuyền của người dân bị nứt, vỡ do âu thuyền bị cạn đáy khi vào neo đậu tránh trú.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ bến neo đậu tàu thuyền bị cát bồi lắng mà các cửa biển, cảng cá tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đang xảy ra tình trạng này. Đơn cử như Cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà). Đây vốn được xem là một trong những cửa biển nhộn nhịp và sầm uất nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tình trạng cát bồi lấp đã khiến luồng ra vào cửa biển bị cạn, gây khó khăn cho tàu cá ra vào. Không ít tàu đã mắc cạn, bị sóng biển đánh bị chìm.
Việc đánh bắt thủy hải sản gặp nhiều khó khăn vì phải phụ thuộc vào thủy triều lên, xuống.
Theo ngư dân Thiều Hải Nghĩa (xã Thạch Kim), khoảng vài năm trở lại đây, cửa biển ở đây bị cát bồi lắng mạnh, các tàu thuyền muốn vào ra đều phải xem “con nước”. Nếu “con nước” xuống, đành phải đậu ở ngoài khơi rồi thuê tàu nhỏ hơn “trung chuyển” hàng vào bờ, việc này vừa mất thời gian lại thêm kinh phí.
Ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, buồn rầu cho biết: “Do cửa biển cạn, các tàu cá của dân địa phương và các tỉnh khác vào neo đậu, bán hải sản ngày càng ít dần. Ảnh hưởng nhiều đến công tác hậu cần nghề cá và công ăn việc làm của người dân. Xã đã nhiều năm kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm tiến hành nạo vét cửa biển, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được”.
“Do cửa biển cạn nên các tàu cá của dân địa phương và các tỉnh khác vào neo đậu, bán hải sản ngày càng ít dần.
Còn tại cửa biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tình trạng cát bồi lắng càng khiến ngư dân gặp khó khăn.
Theo nhiều ngư dân thôn Tam Hải, xã Kỳ Ninh, khoảng 4 năm trở lại đây cửa biển bị thu hẹp, cạn trơ đáy gây khó khăn rất lớn cho hoạt động đánh bắt thủy hải sản của người dân.
Ngư dân Nguyễn Văn Luyến, thôn Tân Giang lo lắng, việc bồi lấp đã gây khó khăn cho chúng tôi trong việc di chuyển tàu, thuyền ra, vào bờ.
Ngoài chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến đi, bà con ngư dân phải mất thêm kinh phí để thuê bè chở hàng từ thuyền vào bờ
“Giờ mỗi lần ra khơi, chúng tôi phải canh lúc nào nước lên để đưa tàu, thuyền ra khơi chứ nước thấp các tàu lớn đánh bắt không thể di chuyển ra biển được. Hầu như các vụ tai nạn tàu, thuyền, mắc cạn chủ yếu diễn ra vào ban đêm”, ông Luyến nói.
Ngoài ra, theo ngư dân Luyến, việc cửa biển cạn còn đội thêm chi phí phát sinh do phải thuê bè để vận chuyển hàng và người vào bờ, rất vất vả.
Khu vực cửa biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh bị bồi lắng mạnh, giữa cửa biển xuất hiện nhiều cồn cát gây cản trở tàu thuyền ra vào
Cần kinh phí lớn
Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh thông tin, toàn xã có hơn 200 tàu, thuyền các loại hành nghề đánh bắt hải sản. Ngoài ra, còn có các tàu cá của bà con các xã lân cận và tỉnh bạn thường cập bến ở đây. Thời gian gần đây do cửa biển cạn nên việc đánh bắt, trao đổi hàng hóa gặp khó khăn hơn.
Theo ông Thông, cửa biển cạn là do thiên nhiên, mỗi mùa mưa bão, cát lại bồi lắng thêm, và việc thi công, đưa vào sử dụng cầu Hải Ninh (nối xã Kỳ Ninh và xã Kỳ Hà) khiến dòng chảy bị thu hẹp dần gây nên hiện tượng bồi lắng.
Ngư dân mong mỏi các luồng lạch sớm được nạo vét để bớt vất vả
“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với các cấp lãnh đạo về việc cửa biển bị bồi lắng nhưng đến nay vẫn chưa có phương án để cải thiện tình hình”, ông Thông nói.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, tỉnh Hà Tĩnh có 4 cửa biển đều bị cát bồi lắng, gồm: Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh).
Việc 4 cửa biển lớn của tỉnh bị cát bồi lắng ảnh hướng rất lớn đến tình hình đánh bắt thủy hải sản và việc sản xuất tiêu thụ của bà con ngư dân.
“Việc nạo vét để ổn định dòng chảy, độ sâu tại các cửa biển là việc làm không đơn giản và cần đòi hỏi các cấp, ngành đầu tư kinh phí lớn, hỗ trợ thiết thực cho các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp. Vấn đề này nhiều lần chúng tôi cũng đã đề cập và có kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền trong các cuộc họp hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết”, ông Sơn trăn trở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận