Trạm thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã giảm chi phí sau khi quyết toán - Ảnh: Tạ Tôn |
Xây dựng thể chế, chính sách, tạo đòn bẩy để đột phá kết cấu hạ tầng, không ngừng cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai minh bạch trong mọi hoạt động là những gì ngành GTVT đã nỗ lực thực hiện trong suốt năm 2017 vừa qua.
1. Kỷ lục quyết toán dự án BOT hoàn thành
Trong năm 2017, Bộ GTVT đã chấp thuận quyết toán 54 dự án BOT hoàn thành. Đây là kỷ lục chưa từng có của ngành GTVT, nhằm minh bạch thông tin, xác định giá trị thực tế đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án BOT.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, chưa khi nào công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành được lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo quyết liệt như thời gian qua. “Tại các cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT hàng tháng, quyết toán các dự án BOT luôn là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận và kiểm điểm”, ông Quốc nói và cho biết, quyết toán công trình là khâu bắt buộc của quá trình quản lý dự án đầu tư.
“Thông qua quyết toán sẽ xác định được chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình. Đặc biệt, đối với các công trình BOT giao thông, giá trị quyết toán còn là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án”, ông Quốc nói thêm.
Kết quả, các dự án BOT sau khi quyết toán đều được xác định lại giá trị đầu tư thực tế và gần 100% dự án không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 10 (Hải Phòng) kiểm định tàu biển - Ảnh: Khánh Linh |
2. Tiếp tục dẫn đầu xếp hạng dịch vụ công trực tuyến
Năm 2017 là năm thứ hai Bộ GTVT dẫn đầu về chỉ số đánh giá dịch vụ công trực tuyến trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về Chỉ số cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông 2017. Trước đó, trong năm 2016, Bộ GTVT cũng đã vượt qua 19 bộ, ngành để dẫn đầu trong chỉ số xếp hạng dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với việc dẫn đầu về chỉ số đánh giá dịch vụ công trực tuyến trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, năm nay, Bộ GTVT cũng đạt xếp hạng 1 trong đánh giá chỉ số Ứng dụng CNTT các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công và trong đánh giá Ứng dụng CNTT nội bộ.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực GTVT là 551, trong đó có 255 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4. Tổng số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến khá cao, lên tới gần 388 nghìn hồ sơ với tỷ lệ hoàn thành giải quyết (trả kết quả) là gần 306 nghìn hồ sơ (tương đương 78,9%). Số hồ sơ thực hiện trực tuyến trong lĩnh vực GTVT tăng mạnh qua mỗi năm. Trước đó, năm 2015, con số này chỉ là hơn 19 nghìn hồ sơ và hơn 142 nghìn hồ sơ trong năm 2016.
Hệ thống phao dẫn luồng được lắp định vị vệ tinh GPS, giám sát tự động (Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 lắp đặt phao nổi phân luồng trên sông Sài Gòn) - Ảnh: Phùng Sơn |
3. Tự động hóa công tác quản lý
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cơ quan này là đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 về cấp GPLX và GPLX quốc tế được dư luận xã hội đánh giá cao. Tổng cục cũng hoàn thiện phần mềm, cung cấp dịch vụ công mức độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô; Ứng dụng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) trong triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu như: Hệ thống giám sát hành trình, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giấy phép lái xe, hệ thống giám sát thu phí, hệ thống quản lý cầu.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang cũng thông tin, hiện tại, hạ tầng đường thủy cơ bản được quản lý bằng công nghệ tự động, từ xa, thay cho phương thức trực tiếp, thủ công như bao năm qua. “Hơn 1.700 đèn báo hiệu trên phao dẫn luồng, cột, trên khoang thông thuyền công trình vượt sông đã được lắp định vị vệ tinh GPS, được lập thành hồ sơ quản lý điện tử, giám sát tự động. Bộ phận quản lý chỉ cần qua máy tính sẽ biết chính xác đèn, phao nào gặp sự cố cần kiểm tra, bảo trì, thay vì phải dùng người, phương tiện để đi kiểm tra thủ công tất cả các phao, đèn như trước kia”, ông Giang nói.
Trong lĩnh vực đăng kiểm, theo Cục trưởng Trần Kỳ Hình, năm 2017, Đăng kiểm VN được Tokyo - Mou (Tổ chức Các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ Tokyo về hợp tác kiểm tra tàu tại các cảng biển - PSC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đánh giá cao, xếp thứ 9/22 tổ chức đăng kiểm của thế giới thực hiện tốt nhất vai trò đăng kiểm. 2017 cũng là năm thứ 3 liên tiếp đội tàu biển Việt Nam được Tokyo - Mou xếp trong ”Danh sách trắng” với tỷ lệ bị lưu giữ qua kiểm tra Nhà nước cảng biển (PSC) chỉ 3,37% (24 tàu bị giữ/712 lượt kiểm tra).
Cũng trong năm qua, Cục tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân thông qua việc vận hành thử nghiệm thêm bốn dịch vụ công trực tuyến; bỏ bốn thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở chế tạo, thử nghiệm thiết bị, giảm thành phần hoặc thời gian giải quyết đối với hàng chục thủ tục.
Lễ đón hành khách thứ 200 triệu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong 22 năm kể từ khi Vietnam Airlines thành lập - Ảnh: SGGP |
4. Hàng không an toàn tuyệt đối, đón gần 100 triệu lượt khách
Trong lĩnh vực hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, điểm nhấn đặc biệt trong năm 2017 đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam chính là đây là năm thứ 20 liên tiếp đảm bảo an toàn tuyệt đối. “Trong hàng không, một tai nạn cũng đã là quá nhiều. Đảm bảo an toàn bay là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là sự sống còn của ngành vận tải hàng không”, ông Thắng nói.
Từ chỗ mỗi năm, hệ thống cảng hàng không trên cả nước chỉ đón khoảng 1 triệu lượt khách đi đến vào năm 1990, đến năm 2016, con số này đã là 81 triệu lượt khách. Dự kiến, đến hết năm 2017, lượng khách thông qua các cảng hàng không, sân bay trên cả nước sẽ đạt 94 triệu lượt khách, tăng 17% so với 2016.
Cũng theo ông Đinh Việt Thắng, dù đến tháng 1/2018, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) mới tiến hành đánh giá chính thức năng lực giám sát an toàn hàng không của Việt Nam, nhưng trong đợt rà soát kỹ thuật hồi tháng 10 vừa qua, đoàn công tác rà soát kỹ thuật của FAA và Boeing đánh giá hệ thống giám sát ATHK của Việt Nam có nhiều tiến bộ trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu (gồm: Luật Hàng không dân dụng; Quy chế ATHK dân dụng; Hệ thống hàng không dân dụng và chức năng giám sát an toàn; Chất lượng và công tác huấn luyện đối với đội ngũ giám sát viên an toàn; Tài liệu hướng dẫn, công cụ và cung cấp thông tin trọng yếu về an toàn; Cấp phép nhân viên hàng không, phê chuẩn, ủy quyền và giám sát; Trách nhiệm giám sát an toàn và cuối cùng là áp dụng chế tài đối với các vi phạm). Chỉ có 16 khuyến cáo được phía Mỹ đưa ra trong lần này so với con số 47 khuyến cáo cần khắc phục trong đợt rà soát kỹ thuật cách đây 4 năm (năm 2013).
Ông Thắng cũng cho biết, năm nay, các đơn vị trong ngành hàng không có nhiều dấu mốc đáng kể. Cụ thể, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đón hành khách thứ 200 triệu sau 22 năm hoạt động. Vietjet sau 6 năm cũng đón hành khách thứ 30 triệu. Tổng công ty Quản lý bay VN cũng có dấu mốc quan trọng là điều hành 800 nghìn chuyến bay/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận