Hội đồng chuyên môn nêu kết luận tại buổi họp báo chiều 21/11 |
Chiều qua (21/11), làm việc với Bệnh viện (BV) Sản nhi Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, qua báo cáo của Sở Y tế, bước đầu có thể nghĩ đến nguyên nhân bốn trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh là do nhiễm khuẩn BV.
Chưa được ôm con một lần…
Hơn một ngày qua, anh Vũ Đình Phụ (32 tuổi, trú tại thôn Nam Viên, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) vẫn chưa thể tin nổi cậu con trai mà vợ chồng và cả gia đình anh mong chờ đã ra đi. “Từ lúc con sinh ra tới khi mất, tôi chưa lần nào được gặp con. Vợ tôi sinh con vẫn chưa được ôm con một lần thì cháu đã ra đi. Chúng tôi mới đặt tạm tên con là Cò, chưa kịp đặt tên chính thức”, anh Phụ nghẹn ngào.
Theo anh Phụ, con trai anh được sinh mổ ngày 13/11 ở tuần thai thứ 32, nặng 1,6kg. “Sau khi sinh, các bác sĩ thông báo cho gia đình phổi cháu chưa phát triển, gia đình mua 2 ống tiêm để phổi trưởng thành. Sau đó, cháu được chuyển lên tầng 5 của BV, nơi chăm sóc cho các trẻ sinh non. Tới ngày 19/11, các bác sĩ còn nói cháu vẫn bình thường. Đến khoảng 7h sáng 20/11, bác sĩ mới bảo cháu nhiễm trùng máu nặng, nguy cơ tử vong cao. Tại sao chúng tôi không được thông báo trước đó về bệnh tình của cháu?”, anh Phụ thắc mắc.
"Trẻ sinh non từ 37 tuần trở xuống thường có hệ miễn dịch yếu, các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc mắc các bệnh lý kèm theo. Trẻ có nền bệnh, cộng với hệ thống miễn dịch kém, nguy cơ bị nhiễm khuẩn lại càng cao. Tại BV Nhi T.Ư, từ năm 2010, tỉ lệ tử vong trong nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn khoảng 75%, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn dưới 50% trẻ tử vong”. PGS. TS. Trần Minh Điển |
Đến giờ, người thân của bé Nguyễn Hà Vi (thôn Sơn, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) vẫn chưa dám báo tin cho người mẹ bởi sản phụ có tiền sử tiền sản giật, sức khỏe còn yếu sau ca sinh mổ. Ngày 16/11, bé Hà Vi được mổ đẻ ở tuần thứ 35 do suy hô hấp, suy dinh dưỡng bào thai. Theo báo cáo của BV Sản nhi Bắc Ninh, sức khỏe bé Vi diễn biến nặng từ 3h ngày 20/11 do suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn và tử vong hồi 9h30 cùng ngày.
“Hai vợ chồng chị Hà chạy chữa 10 năm nay, đợt vừa rồi thụ tinh ống nghiệm mãi mới được con bé. Bé sinh ở tuần thai 35, mỗi lần đều ăn được 20-30cc sữa. Ngày nào hộ lý, y tá cho ăn cũng kêu ngoan, khỏe mạnh, vì sao cháu lại trở bệnh, tử vong mà gia đình không hay”, một người dì của bé Vi bức xúc. Ngoài hai trường hợp trên, còn hai trẻ sơ sinh khác cùng tử vong ở BV Sản nhi Bắc Ninh trong sáng 20/11, là bé Vi Thị Phượng (bản Bó Mồng, thôn Tô Múa, huyện Vân Hồ, Sơn La) và bé Vũ Hải Đăng (xã Nam Hải, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Chiều tối 21/11, Hội đồng chuyên môn đã chính thức thông tin tới báo chí nguyên nhân vụ việc trên. Theo bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, bốn trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai, có vấn đề suy hô hấp sau sinh, đều đã được xử lý sản khoa phù hợp. “Trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau điều trị 3-5 ngày, có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại viện. Nguyên nhân tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến nhiễm khuẩn BV”, bà Hoa nêu kết luận ban đầu.
Theo bà Tô Thị Mai Hoa, Công an tỉnh Bắc Ninh đã mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vào làm việc. Khi có kết luận chính thức từ các cơ quan này, ngành Y tế và BV Sản nhi Bắc Ninh sẽ có sự hỗ trợ phù hợp nhất cho các gia đình với tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm… Trước đó, lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, BV đã thăm hỏi, động viên các gia đình có bệnh nhi tử vong.
Sự cố bất thường
Liên quan đến vụ việc bốn trẻ sơ sinh liên tiếp tử vong tại Bắc Ninh, chiều 21/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc tại BV Sản nhi Bắc Ninh; tham gia cuộc họp của Hội đồng chuyên môn. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: "Có thể khẳng định, sự việc bốn trẻ tử vong trong nửa ngày tại BV Sản nhi Bắc Ninh là một sự cố bất thường”.
Nhiều nguyên nhân dẫn tớisốc nhiễm khuẩn Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia Nhi khoa cho biết: “Sốc nhiễm khuẩn giai đoạn cuối thường có nguy cơ cao gây tử vong cho bệnh nhi. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, để xác định rõ nguyên nhân gốc cần lập Hội đồng chuyên môn và kết quả không thể một sớm, một chiều có ngay được. Việc tìm rõ nguyên nhân là cần thiết, để rút kinh nghiệm đối với các ca bệnh sau”. |
Về nguyên nhân vụ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: "Để khẳng định nguyên nhân chính xác phải chờ Hội đồng chuyên môn cấp bộ, về pháp lý phải chờ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Y tế, bước đầu có thể nghĩ đến nhiễm khuẩn BV. Qua đây, Bộ trưởng đề cập tới ba khả năng gây nhiễm khuẩn cho các cháu nhỏ: Nguyên nhân thứ nhất, có thể nhiễm khuẩn từ tác nhân chăm sóc hàng ngày như bàn tay, hơi thở của người chăm sóc, dụng cụ... Nguyên nhân thứ hai, do quá tải BV. “Hiện, BV Sản nhi Bắc Ninh có đến 320 giường bệnh, chủ yếu nội nhi, 90 giường sơ sinh. Bộ trưởng cho rằng, số bệnh nhi sơ sinh quá lớn với khoảng 25 giường bệnh nặng. Đây là tình trạng quá tải số giường bệnh sơ sinh trên một BV sản nhi khá non trẻ", bà Tiến lý giải. Nguyên nhân thứ ba mà Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc tới, là tình trạng quá tải sức lao động của cán bộ y tế BV. “Khoa Sơ sinh BV Sản nhi Bắc Ninh chỉ có 7 bác sĩ, 25 điều dưỡng phải chăm sóc điều trị cho cả 92 trẻ sơ sinh kể cả 25 giường bệnh nặng, nên rất khó đáp ứng”, nữ Bộ trưởng nhận định.
Trước nguy cơ nhiễm khuẩn BV, Bộ trưởng Tiến yêu cầu BV Sản nhi Bắc Ninh chuyển ngay những trẻ sinh non suy hô hấp lên các BV Nhi và Sản tuyến Trung ương để giảm tối đa nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, BV Sản nhi Bắc Ninh phải thực hiện kiểm soát quy trình chống nhiễm khuẩn tại Khoa Sơ sinh, Khoa Nội nhi, kiểm soát nhiễm khuẩn, rửa tay, tập huấn cho cán bộ, phun khử khuẩn, vệ sinh máy móc, bơm tiêm điện…
Được biết, trong tối 21/11, sẽ có thêm 7 bé được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên BV Phụ sản T.Ư (Khoa Sơ sinh) và 2 bé lên BV Nhi T.Ư. Trước đó, cũng đã có 8 trường hợp chuyển lên BV Nhi T.Ư. “BV đang hỗ trợ tối đa các biện pháp chăm sóc trẻ. Các bé được dùng kháng sinh hỗ trợ miễn dịch”, PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận