Ảnh minh họa |
Tại hội thảo “Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển”, ngày 10/4, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada Express nhận định, chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu thương mại điện tử, ở mức cao so với nhiều nước (tại Ấn Độ chi phí này chỉ chiếm từ 10-15%).
“Sự phát triển của lĩnh vực logistics vẫn chưa đáp ứng cho yêu cầu của thương mại điện tử. Đơn cử với số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày, doanh nghiệp không thể phát triển một lực lượng hùng hậu các “shipper” (người vận chuyển) chạy bằng xe máy để giao hàng trên khắp cả nước, trong khi chi phí đầu tư và vận tải hàng cho phương tiện ôtô lại cao và gây tắc nghẽn giao thông”, ông Thịnh phân tích.
Tương tự, theo ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm Xử lý đơn hàng của Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, hiện độ phủ của hệ thống logistics ở Việt Nam vẫn chưa được đồng đều. “Một khảo sát mới nhất của Sen Đỏ cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online”, ông Thuật cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khăn như: Chưa có Luật về E-Logistics (dịch vụ hậu cần điện tử), quy định về giao thông thay đổi thường xuyên, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, việc ứng dụng công nghệ trong E-Logistics còn thấp…
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thừa nhận, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp logistics có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử.
“Các doanh nghiệp logistics cần biết liên kết lại với nhau, tận dụng thế mạnh của nhau để tạo ra dịch vụ trên nền tảng của dịch vụ có sẵn để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”, ông Khoa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận