Mỗi khi tàu dừng tại ga, lái tàu chính và lái phụ phải xuống tàu để quan sát cho đến khi khách lên hết tàu
Ngày 2/4, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận, quản lý khai thác vận hành) cho biết, hiện các lái tàu được tuyển dụng, đào tạo và đã thực hành lái tàu tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa được sát hạch, cấp giấy phép. Dự kiến, các lái tàu sẽ được sát hạch, cấp giấy phép lái tàu sẽ được thực hiện sau ngày 15/4/2021.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, lý do là đến thời điểm trên Thông tư số 05/2021 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung quy định về sát hạch lái tàu đường sắt đô thị...) mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Vì vậy, sau ngày 15/4 mới có thể thực hiện các thủ tục để đề nghị cấp giấy phép cho các lái tàu.
Theo các đơn vị trên, có 40 nhân sự được tuyển dụng để đào tạo thành lái tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đã được đào tạo lý thuyết, thực hành theo chương trình của dự án. Tuy vậy, để chính thức trở thành lái tàu và vận hành các đoàn tàu trong giai đoạn khai thác thương mại, cần phải được sát hạch, cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị.
Về điều kiện để được cấp giấy phép lái tàu, nội dung Thông tư số 05/2021 quy định, các lái tàu đầu tiên trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam phải là nhân sự lái tàu được doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc chủ đầu tư dự án (hoặc tổ chức được chủ đầu tư giao quản lý dự án đường sắt đô thị) đánh giá đạt yêu cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống của dự án; được Hội đồng sát hạch đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.
Cục Đường sắt VN là cơ quan lập Hội đồng sát hạch lái tàu. Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả sát hạch, Cục Đường sắt VN thực hiện cấp giấy phép lái tàu. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép lái tàu phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận