Tăng trưởng GDP cả năm có thể bị kéo lùi khoảng 0,15%. Đến nay, 32 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Tài sản mất trắng, thêm gánh nợ nặng vai
Theo kế hoạch, đầu tháng 10, hơn 60 lồng bè cá (mỗi bè từ 500 - 600 con nặng 3 - 3,5kg) của gia đình chị Ngô Thị Thúy (khu Thống Nhất 2, xã Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) sẽ đến ngày thu hoạch. Nếu suôn sẻ, gia đình chị sẽ thu được khoảng 90 tấn cá, tương đương 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3 đã lấy đi tất cả.
Bão số 3 đã tàn phá nặng nề nhiều cơ sở vật chất của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại Quảng Ninh.
"Mất trắng không còn gì chú ạ!", chị Thúy giọng run run, vừa nói vừa quệt nước mắt nhìn về khu bè cá trước đây rộng ngang sân bóng đá, giờ phẳng lặng toàn bọt nước sau bão.
Tiếc của là điều dễ hiểu, nhưng ẩn sâu trong đôi mắt lo âu của chị là khoản vay ngân hàng mỗi tháng phải trả lên tới vài chục triệu đồng.
Cùng khu bè Thống Nhất 2 với chị Thúy, chị Đỗ Thị Cúc cũng xót xa nhẩm tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. "Chẳng còn gì nữa rồi. Giờ chúng tôi không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng", chị Cúc rưng rưng.
Trong khi đó, hơn chục ngày sau bão, anh Trần Bình Trọng (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng) vẫn chưa hết bàng hoàng. Cơn bão số 3 đã nhấn chìm chiếc tàu du lịch của gia đình anh, đến nay vẫn chưa có phương án trục vớt. Để mua chiếc tàu này, anh vay vốn từ ngân hàng VietinBank.
Với khoản tín dụng 10 tỷ đồng, lãi suất hơn 9%/năm, mỗi tháng anh phải thanh toán 87 triệu đồng tiền lãi. Chiếc tàu bị đắm không chỉ khiến anh mất doanh thu mà còn phải lo bỏ thêm chi phí trục vớt, sửa chữa. Gánh nặng lãi vay vì vậy càng thêm áp lực.
Chị Thúy, chị Cúc và anh Trọng chỉ là 3 trong số hàng nghìn người dân ở Quảng Ninh và Hải Phòng - hai địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế bởi cơn bão số 3, đang phải đối mặt với tình cảnh trắng tay.
Thiệt hại quá lớn, nguy cơ kéo giảm tăng trưởng
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), chỉ riêng tại tỉnh Quảng Ninh ước tính có hơn 2.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Tại TP Hải Phòng có khoảng 300 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng.
Tính chung các địa phương chịu ảnh hưởng mưa bão, lũ lụt, số lượng khách hàng vay vốn của Agribank lên tới gần 15.000 người, dư nợ trên 30.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, thiệt hại kinh tế do bão Yagi lên đến hơn 2 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng). Dự kiến khi thống kê đầy đủ khoảng 2,5 tỷ USD, gấp 5 lần so với tổng thiệt hại thiên tai năm 2023 và cao hơn thiệt hại thiên tai ba năm gần nhất cộng lại.
"Cơn bão gây tổn thất lớn nhất cho Việt Nam từ trước tới nay. Bão quá lớn, gây thảm họa rất rộng, vượt quá sức chống chịu của cơ sở hạ tầng", ông Hiệp nói và cho biết thêm: Dự báo thiệt hại kinh tế làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8 - 7%. Tốc độ tăng trưởng của một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai có thể giảm trên 0,5%.
Gói tín dụng 405.000 tỷ đồng: Đã cam kết phải thực hiện
Trước thông tin Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143 (ngày 17/9/2024) khắc phục hậu quả bão lũ, đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có chính sách tiền tệ, anh Trần Bình Trọng cho biết, đã liên hệ với VietinBank để xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ (miễn, giảm, giãn, hoãn nợ) cho khoản vay của mình. Tuy nhiên, quy trình này phải trải qua nhiều bước, trong đó mất thời gian nhất là khâu thẩm định thiệt hại.
Còn chị Thúy và chị Cúc – 2 khách hàng của Agribank cũng vơi chút áp lực khi nhận thông báo ngân hàng đang xem xét các chính sách hỗ trợ. Với khoản vay 3,5 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi 7%/năm, chị Thúy phải trả khoảng 117 triệu đồng tiền gốc lãi (giảm dần sau từng tháng).
Nếu được Agribank hỗ trợ tối đa 2%, chị Thúy chỉ còn phải thanh toán 111 triệu đồng tiền lãi gốc mỗi tháng. Ở trường hợp của chị Thúy, Agribank cũng sẽ xem xét giảm hoặc miễn lãi và tiếp tục cho vay để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, đơn vị tính toán giảm lãi suất từ 0,5 - 2%, đối với khách hàng bị ảnh hưởng, tùy theo mức độ thiệt hại.
Đây cũng là mức hỗ trợ mà Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) dành cho nhóm khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 của mình. Đại diện ngân hàng này cho biết, chương trình áp dụng đối với cả nhóm khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, trong gói tín dụng mới 60.000 tỷ đồng áp dụng đến hết năm 2024.
Theo thống kê của BIDV, có khoảng 1.000 khách hàng cá nhân tại hơn 40 chi nhánh bị thiệt hại với dư nợ trên 40.000 tỷ đồng và con số có thể vẫn tiếp tục gia tăng.
Tại Vietcombank, ông Lê Quang Vinh, phó Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, ước dành 100 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng...
Đáng chú ý, một số ngân hàng quyết định giảm 50 - 100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024. Trong đó Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), có thể giảm tới 100% với những khách hàng là nông dân, ngư dân, hộ kinh doanh...
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là ngày 31/1/2025. Tương tự với khách hàng doanh nghiệp, TPBank cũng dành 2.000 tỷ đồng...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay đã có 32 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 Yagi.
"Các tổ chức tín dụng dựa trên nguồn lực, tình hình "sức khỏe" của mình để có các chính sách hỗ trợ phù hợp; căn cứ vào tình hình thực tế, khách hàng thiệt hại tới đâu, ngân hàng có chính sách hỗ trợ đến đó", bà Hồng nói và nhấn mạnh, đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện các chính sách cam kết, trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện.
Thời điểm vàng để doanh nghiệp tăng trưởng
Nhận định các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 143 đã rất chi tiết, rõ ràng, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần nhất hiện nay là cách làm như thế nào để nền kinh tế hấp thụ kịp thời.
Ngành GTVT cùng các địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở tại các tuyến đường. (Trong ảnh: Dọn dẹp bùn đất bị sạt lở trên tuyến đường tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Tạ Hải.
Ông Lạng lưu ý, cuối năm là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tăng trưởng và đây cũng là cơ sở để quyết định tăng trưởng cả năm của nền kinh tế. Bởi thế, thiệt hại không chỉ là con số thống kê thực tế hiện tại mà nó còn bao gồm cả con số gián tiếp kéo theo.
Hư hỏng hàng nghìn vị trí trên quốc lộ
Theo thống kê, sau đợt bão lũ vừa qua, thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chủ yếu đối với các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Tổng số vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại hơn 4.100 vị trí, đoạn đường. Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng; bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng.
Ngành GTVT đã và đang triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở.
Liên quan đến cầu Phong Châu, Cục Đường bộ VN đã phê duyệt khoản kinh phí hơn 9 tỷ đồng để trục vớt các nhịp cầu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu. Phương án làm cầu phao đang được các đơn vị chức năng tính toán.
Do vậy, theo ông Lạng, đây là cơ hội tốt để đánh giá năng lực điều hành của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
"Thủ tướng đến tận nơi điều hành, toàn dân huy động sức người sức của để hỗ trợ, chúng ta cũng phải khơi dậy tinh thần này ở các nhà lãnh đạo cơ quan quản lý điều hành", ông Lạng nói và nhấn mạnh, cần có cơ chế tuyên dương cá nhân làm tốt và xử lý cá nhân làm kém mới có thể hy vọng đổi mới cách làm.
Lý do phải làm điều này vì bối cảnh không bình thường thì không thể dùng cách điều hành bình thường để thực hiện.
Ngoài vấn đề thực thi, những tỉnh bị thiệt hại nặng nề đều là những khu, cụm công nghiệp lớn ở miền Bắc, trong khi đơn hàng cuối năm thường chiếm phần lớn cả năm. Do đó, cần nâng cao vai trò kết nối của hiệp hội các ngành hàng để giúp các doanh nghiệp thiệt hại có thể giải quyết được đơn hàng bằng cách nhờ nhà xưởng sản xuất, hoặc chuyển giao đơn hàng, hoặc thuê sản xuất với giá ưu đãi…
"Miền Bắc khó khăn thì chúng ta đẩy mạnh sản xuất ở miền Nam, có như vậy mới cân bằng được về sản xuất, mà cũng không làm mất đơn hàng của các doanh nghiệp miền Bắc. Điều này tránh được thiệt hại dây chuyền cho doanh nghiệp", ông Lạng nói.
Tạm dừng thanh kiểm tra, cắt giảm thủ tục
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói thêm, thời điểm này cần tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra để tập trung sản xuất, ổn định kinh tế. Ông cũng góp ý nên đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục để các chính sách hỗ trợ được nhanh nhất, hiệu quả nhất bằng cách lập các đoàn kiểm soát ngay khi doanh nghiệp làm hồ sơ hỗ trợ.
"Đoàn kiểm soát này xuống thực tế doanh nghiệp và đánh giá ngay mức độ thiệt hại theo thống kê của doanh nghiệp, sau đó kiểm chứng xem mức độ thiệt hại thực tế so với thống kê. Từ đó, đưa ra mức hỗ trợ phù hợp", ông Thịnh nói và cho rằng, nghiệp vụ của cán bộ tài chính không khó để làm việc này.
Nhận định việc lập đoàn kiểm soát sẽ tránh việc doanh nghiệp mất thời gian đi lại thống kê, nản lòng không muốn được hỗ trợ như những lần trước, ông Thịnh lý giải: "Phần lớn doanh nghiệp khi vay vốn đều đã được định giá tài sản ở ngân hàng nên việc kiểm soát mức độ thiệt hại không khó".
Những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Nghị quyết đề ra 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động; cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ và nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giảm, giãn thuế cho đối tượng bị thiệt hại bởi bão lũ
Với nhóm giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.
Về triển khai, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã ngay lập tức có văn bản gửi các đơn vị liên quan thực hiện theo chỉ đạo. Đến nay nhiều đơn vị đã vào cuộc tích cực. Bộ chỉ đạo với tinh thần đơn giản hóa thủ tục, linh hoạt tình huống để hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Tổng Cục thuế cho biết, cũng đã có hướng dẫn để giảm, giãn, hoãn các khoản thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão số 3 Yagi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận