"Đại sứ quán VN tại Nhật đang theo dõi sát, cập nhật thông tin, hợp tác với cơ quan chức năng Nhật để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người lao động" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết |
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao VN ngày 17/3, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, theo thông tin từ Đại sứ quán VN tại Nhật, ngày 15/3, Ban Quản lý lao động Đại sứ quán nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của một số lao động Việt Nam làm việc tại Nhật. Đại diện các lao động cho biết, sau khi đến Nhật, các lao động phải làm trong môi trường độc hại, đời sống khổ cực, không đảm bảo sức khoẻ…
Ngay sau khi nhận được đơn phản ánh, Ban quản lý lao động làm việc với đại diện công ty Việt Nam, đề nghị xem xét lại việc chủ sở hữu lao động đã thu tiền quá cao so với thực tế công việc mà người lao động nhận được. Ban quản lý đề nghị phía công ty Nhật để điều tra điều kiện lao động, gặp đại diện lao động để phối hợp giải quyết quyền lợi, chế độ của người lao động phù hợp với luật pháp Nhật bản và điều kiện thực tế. Trong trường hợp chủ lao động không đáp ứng yêu cầu, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật sẽ đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam tại Nhật can thiệp. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật đang theo dõi sát, cập nhật thông tin, hợp tác với cơ quan chức năng Nhật để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trước đó, trong đơn cầu cứu gửi đến Ban Bảo hộ công dân thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các lao động trên cho hay họ qua Nhật Bản theo diện kỹ sư được tuyển chọn trực tiếp từ một công ty con của Freesia House Corporation, Tokyo. Thực tế, họ chỉ là lao động tay chân lách luật để sang Nhật Bản, không giống với mức lương được quảng cáo trên mạng là 30 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí sinh hoạt.
Khi đến Nhật Bản, họ được chuyển về tỉnh Iwate, miền bắc nước này, làm việc tại công ty Seinan. Mỗi tháng, một người phải trả 39.000 yen (8 triệu đồng) tiền thuê nhà và 8.000 yen tiền điện, nước, gas, trừ trực tiếp khi công ty chuyển lương vào tài khoản ngân hàng. 9 người được sắp xếp ở chung trong một căn phòng 25 m2 chật chội, tối tăm.
Theo các lao động, họ cũng phải đóng tiền cho bữa trưa nhưng công ty chỉ trích ra khoảng 60% số này để mua đồ ăn. Đặc biệt, họ còn bị cấm ăn cá, thịt, trứng vì ông chủ công ty bảo mấy thức ăn này có hại cho sức khoẻ. Do đó, hầu hết các bữa ăn thường chỉ có rau và 43 người cũng chỉ được phép nấu gần 4 kg gạo lứt mỗi bữa. Ngoài ra, họ còn không được bảo hộ lao động trong môi trường làm việc độc hại. Hàng ngày, các công nhân buộc phải thức dậy lúc 5h30 để tập thể dục, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu, tuyết rơi dày và đến gần 23h mới được tự do làm việc cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận