Nhờ cây cầu treo mới được sửa chữa, hàng trăm học sinh ba cấp ở xã Liên Trạch thoát cảnh xếp hàng chờ đò ngang tới lớp |
Món quà nghĩa tình
Hơn một năm sau trận bão, lũ lịch sử cuối tháng 10/2013, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Phạm Quang Hải hồ hởi thông báo với chúng tôi về việc Quảng Bình đã hoàn thành lời hứa với người dân các xã nghèo ba huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Tuyên Hóa là hoàn thành nâng cấp, sửa chữa 9 cầu treo đã hết “đát” từ nhiều năm.
Nhận được tin, chúng tôi lên đường hòa chung niềm vui đón cầu mới với bà con nơi đây. Tại cầu treo Liên Trạch thuộc xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, một trong số các cầu treo bị hư hỏng hoàn toàn sau trận lũ lịch sử, chúng tôi chứng kiến cây cầu sau khi được sửa chữa đã khang trang hơn, từng tốp học sinh có thể thoải mái đạp xe qua cầu tới trường.
Nhớ lại thời điểm một năm về trước, thày Trương Khánh Long, Hiệu trưởng Trường THCS Liên Trạch, cho biết: “Khi năm học mới vừa khai giảng được một tháng, bão số 10 ập về, nước sông Son dâng cao cuốn trôi toàn bộ phần ván lát mặt cầu, làm đứt dây neo khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Hậu quả là hơn 200 học sinh cấp 1, cấp 2 và gần 100 bé mầm non ở bên kia sông của hai thôn Phú Kinh và Liên Sơn phải bỏ học giữa chừng”.
9 cầu treo vừa được hoàn thành sửa chữa ở Quảng Bình được sử dụng từ năm 1998. Trải qua 15 năm khai thác, các cầu đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn cho người và phương tiện qua lại cầu. Năm 2013, hai cầu treo Liên Trạch và Hóa Thanh bị hư hỏng hoàn toàn, buộc người dân phải qua sông, qua ngầm bằng đò. Tháng 10/2013, trong chuyến công tác về khắc phục bão lũ tại các tỉnh miền Trung, chứng kiến cảnh hàng nghìn người dân ngày ngày phải đi lại trên những cây cầu treo xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, lãnh đạo Bộ GTVT đã giao Sở GTVT Quảng Bình khẩn trương rà soát mức độ hư hỏng của từng cây cầu để từ đó có phương án khắc phục sửa chữa. Sau đó, Bộ GTVT quyết định trích 13 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trì đường bộ để đầu tư nâng cấp, sửa chữa khẩn cấp những cầu treo này. |
Theo thầy Long, gần một tháng sau, chính quyền xã phải lập bến đò cho các em qua sông đến trường. Nhưng cứ mưa to, nước dâng và chảy xiết là các em học sinh lại phải nghỉ học, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giảng dạy của các thày cô trong trường. “Quá trình giảng dạy sau đó, các thày cô phải rất linh động về thời gian vào lớp, thường xuyên tổ chức các lớp “học đuổi, học bù” kiến thức cho các em ở bên kia sông. Cùng đó, các thày còn phải dạy các em qua sông an toàn, mặc áo phao khi đi đò tại các buổi chào cờ đầu tuần”, thày Long cho biết.
Em Hoàng Thúy An (học sinh lớp 8 Trường THCS Liên Trạch) tỏ ra rất vui mừng khi lại được đến trường trên cầu treo mới. “Cầu ni sửa xong đi thích lắm chú ạ, đạp xe một lèo là tới trường, không còn lo trễ đò, muộn học”.
Em Nguyễn Hữu Công (học sinh lớp 6) cũng hồ hởi không kém: “Có cầu mới, dù nhà ở xa nhưng cháu không còn phải lo dậy sớm để… xếp hàng lên đò qua sông”.
Chuyện xếp hàng, chờ qua đò không chỉ xảy ra với An, Công mà còn là câu chuyện của rất nhiều em trong số gần 300 học sinh có nhà xa trường trong hơn một năm qua. Việc đi học sớm nhưng đến lớp muộn và chậm tiết cũng không còn xa lạ đối với thày trò Trường THCS Liên Trạch mỗi khi con nước sông Son lên cao, chảy xiết. Và với tập thể giáo viên Trường THCS Liên Trạch, cầu treo Liên Trạch được đưa vào sử dụng dịp này còn được coi là món quà ý nghĩa kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam vừa qua.
Chạy đua sửa cầu trước mùa mưa lũ
Gặp chúng tôi trong lúc chủ đầu tư và các nhà thầu đang tiến hành nghiệm thu lần cuối chất lượng cầu treo Vĩnh Xuân, ông Lê Quang Minh , Giám đốc Ban QLDA Giao thông nông thôn (Sở GTVT Quảng Bình) cho biết: “Đây là cây cầu treo thứ 6 trong số 9 cầu được nghiệm thu chất lượng và bàn giao cho địa phương quản lý. Tất cả 9 cầu đều đạt các chỉ số về tải trọng, an toàn. Đáng lưu ý, kết quả kiểm định tải trọng cầu của Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho thấy cả 9 cầu treo vừa sửa chữa đều vượt tải trọng so với thiết kế ban đầu”.
Để hoàn thành việc sửa chữa 9 cầu treo sau 45 ngày, ngay từ đầu, Sở GTVT Quảng Bình đã chủ động làm công tác tư tưởng với các bộ phận liên quan, từ tư vấn thiết kế đến nhà thầu về tính chất đặc biệt quan trọng của công việc. Sở yêu cầu các đơn vị này phải xác định dự án sửa chữa 9 cầu treo là nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa xã hội lớn đối với bà con nhân dân, học sinh các xã nghèo. Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, ngay sau khi được Bộ GTVT cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa cầu treo, Sở GTVT xác định đây là một trong những công trình đầu tiên sử dụng kinh phí do chính nhân dân đóng góp để tái phục vụ lại người dân trên địa bàn, vì vậy cần phải sử dụng nguồn tiền hiệu quả.
“Chúng tôi xác định phải hoàn thành công trình trước mùa mưa bão nên khẩn trương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hoàn thành các thủ tục cần thiết trong vòng 15 ngày để kịp khởi công dự án”, ông Cường cho biết.
Quá trình tu sửa cầu treo, nhiều sáng kiến đã được chủ đầu tư và nhà thầu áp dụng. “Hai cây cầu hư hỏng nặng nhất là Liên Trạch và Kim Tiến, theo phương án ban đầu là phá dỡ mố neo, làm mới lại. Nhưng qua khảo sát, chúng tôi đã xác định được mố neo còn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên đã áp dụng phương án dùng kích 250 tấn, rút cáp chủ cũ và căng lại cáp chủ mới trong khối bê tông cốt thép cũ. Chỉ riêng hạng mục này, giải pháp trên ngoài rút ngắn thời gian khoảng một tháng cho việc phá dỡ mố neo và làm mới, còn tiết giảm chi phí khoảng gần 100 triệu đồng cho mỗi cầu”, ông Vũ Quang Chiến, Phó Giám đốc Ban QLDA Giao thông nông thôn (Sở GTVT Quảng Bình), người trực tiếp phụ trách dự án chia sẻ.
Là đơn vị tham gia sửa chữa bốn trong số 9 cầu treo, trong đó có cầu Kim Tiến - một trong những cây cầu bị hư hỏng nặng nhất, ông Ngô Văn Trung, Giám đốc Công ty CP Xây dựng tổng hợp 2 Quảng Bình, cho biết: “Đặc thù của các cầu treo này là đều nằm xa trung tâm, đi lại khó khăn và mất thời gian. Do đó, đơn vị đã chủ động lựa chọn những cán bộ kỹ thuật giỏi nhất, đội ngũ công nhân lành nghề cùng vật liệu, thiết bị thi công đầy đủ để tập trung triển khai thi công. Đến nay, ngoài việc thực hiện đúng lời hứa tiến độ với chủ đầu tư, với người dân, chúng tôi còn tự hào về việc đảm bảo chất lượng của công trình sau khi được bàn giao cho địa phương và người dân sử dụng”.
Ngoài 9 cầu treo trên, được sự quan tâm của Bộ GTVT, ngành GTVT Quảng Bình đã và sẽ tiếp tục triển khai thi công xây dựng mới 11 cầu treo để phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân các xã nghèo vùng sâu, vùng xa của tỉnh để kịp đưa vào sử dụng trong năm 2015.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở GTVT Quảng Bình, ngoài 20 cầu treo kể trên, hiện Quảng Bình còn có gần 100 cầu treo khác cần nâng cấp, sửa chữa, làm mới. Trong đó, có 41 cầu treo dân sinh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xóa đi các địa bàn “trắng” về giao thông. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên sau khi lập đề án, 41 cầu treo dân sinh kể trên vẫn trong giai đoạn chờ… kinh phí.
Tuấn Anh - Văn Thanh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận