Lễ trao quyết định điều động, bổ nhiệm lãnh đạo cho 5 Ban QLDA chuyên ngành vào cuối tháng 12/2016. |
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ của 5 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của TP. 5 "siêu ban" này bao gồm: Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Ban đầu tư xây dựng công trình giao thông, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội; Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường.
Theo báo cáo, các Ban quản lý dự án chuyên ngành được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 Ban quản lý dự án - tiền thân trực thuộc TP và trực thuộc các sở ngành.
Hiện nay, tổng số cán bộ của 5 Ban quản lý dự án này là 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.
Theo đánh giá, các Ban Quản lý dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động (kinh phí hoạt động trích theo tỉ lệ trên kế hoạch vốn được giao).
Đặc biệt, một số Ban Quản lý dự án chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017. Do vậy, Ban Quán lý dự án phải trình UBND TP Hà Nội ứng trước ngân sách. Trong đó, Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được thành phố hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách thành phố 6,2 tỷ đồng; Ban quản lý dự án giao thông dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017.
Ngoài ra, các Ban quản lý dự án hiện mới chỉ được cơ quan kho bạc tạm ứng kinh phí tối thiểu cho hoạt động đơn vị do chưa được cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt dự toán. Một số Ban quản lý dự án đã có số viên chức, hợp đồng có trình độ, kinh nghiệm chuyển công tác.
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên được Ban Kinh tế -Ngân sách của HĐND TP chỉ rõ là do số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai. Tính chuyên nghiệp của cán bộ Ban quản lý dự án, trình độ của cán bộ tham mưu chưa đồng đều…
Từ những bất cập trên, Ban Kinh tế Ngân sách kiến nghị các Ban quản lý dự án chuyên ngành tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị, xây dựng bộ máy đảm bảo gọn nhẹ, đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận