Hãng máy báy Boeing của Mỹ sẽ điêu đứng nếu bị thiếu nguồn cung titan từ Nga |
Các kế hoạch trừng phạt mới Washington đưa ra tuần trước nhằm chống lại Moscow đã châm ngòi cuộc tranh luận sôi nổi về việc nước nào có thể sẽ phải hứng chịu nhiều tổn thất hơn. Hãng RT ngày 13/8 đã điểm qua các kịch bản trả đũa mà Nga có thể triển khai nhằm gây “đau đớn” cho siêu cường Mỹ.
Titan
Trong trường hợp hai bên dốc toàn lực để trừng phạt lẫn nhau, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Nga có thể đặt lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu titan sang Mỹ.
VSMPO-Avisma, công ty sản xuất titan độc quyền của Nga, cung ứng tới 1/3 lượng phụ tùng titan cho ngành công nghiệp máy bay của thế giới. Tập đoàn này hiện vẫn cung cấp 70% sản phẩm của mình ra thị trường toàn cầu; cung cấp 40% thành phần titan cho hãng Boeing của Hoa Kỳ, 60% thành phần titan cho hãng Airbus của châu Âu và cung cấp toàn bộ thành phần titan cho hãng Embraer của Brasil.
Lý do khiến “quân bài titan” có sức mạnh vì Boeing, hãng máy bay nổi tiếng của Mỹ sẽ không thể tìm kiếm được mặt hàng thay thế titan do Nga sản xuất. Ngành công nghiệp sử dụng titan bắt đầu đồng thời tại Mỹ và Liên Xô (cũ) vào những năm 1950. Tuy nhiên, chỉ có Nga mới có thể sản xuất thành công hợp kim titan chất lượng cao. Titan là một hợp kim đáp ứng các yêu cầu đó và có thể chịu được việc tiếp xúc thời gian dài với môi trường gần nước biển cũng như bầu khí quyển trên bề mặt các đại dương.
Không phận
Nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Âu và châu Á, Nga có thể đưa ra mức thuế cao hơn cho việc sử dụng không phận của mình đối với tất cả các máy bay chở khách và hàng hóa từ Mỹ. Moscow cũng có thể cấm hoàn toàn các chuyến bay từ Washington.
Và nếu kịch bản đó xảy ra, các hãng vận tải Mỹ sẽ phải trả phí cao hơn hoặc chọn các tuyến bay thay thế, khiến tăng đáng kể chi phí nhiên liệu, giảm sức cạnh tranh với các hãng hàng không châu Âu và châu Á. Theo cách này, đây có thể trở thành một thảm họa cho ngành Hàng không Mỹ.
LNG và năng lượng khác
Việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga vào Mỹ cũng có thể nằm trong danh sách cấm vận nếu các biện pháp trừng phạt được mở rộng. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm dầu và hóa dầu của Nga sang Mỹ chỉ khoảng 8 tỷ USD, chiếm 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Moscow.
Theo giới phân tích, lệnh cấm sẽ gây tổn hại khá ít đối với các nhà sản xuất Nga, vì có thể dễ dàng chuyển hướng sang cho các đối tác châu Á. Nhưng Mỹ có khả năng sẽ phải hứng chịu “hiệu ứng ngược”.
Không sản xuất đủ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, không đủ tàu chở LNG, Mỹ được cho là đang bán lại LNG của Nga sang các nước châu Âu. Và nếu Nga cắt nguồn cung năng lượng, những tham vọng để trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn của Mỹ sẽ bị trì hoãn.
Các công ty Mỹ ở Nga
Bất chấp quan hệ xấu đi giữa Moscow và Washington, nhiều tập đoàn Mỹ vẫn đang tiếp tục hoạt động tại Nga mà không bị sự can thiệp từ phía chính phủ sở tại.
Để trả đũa bất kỳ đòn trừng phạt mới nào của Mỹ, Nga có thể gây khó cho các tập đoàn như PepsiCo, Procter & Gamble, McDonald’s, Boeing, Mondelez International, General Motors, Johnson & Johnson, Cargill, Alcoa, General Electric và nhiều công ty khác.
Mặt khác, có rất ít công ty Nga hoạt động tại Mỹ. Washington sẽ khó lòng “ăn miếng trả miếng”. Việc cân nhắc duy nhất của Điện Kremlin khi nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ tại Nga là việc làm trong nước, vì những công ty này đem lại việc làm cho công dân Nga.
Tên lửa Nga
“Át chủ bài” thứ 5 được các nhà phân tích liệt kê là động cơ tên lửa RD-180 của Nga. Những động cơ này có tầm quan trọng lớn đối với chương trình không gian của Hoa Kỳ vì NASA và Lầu Năm Góc sử dụng chúng để phóng các vệ tinh Mỹ. Những nỗ lực nhằm ngừng mua RD-180 từ Nga đã thất bại bởi Mỹ không thể sản xuất sản phẩm thay thế ở trong nước.
Hiện Mỹ đang mua động cơ RD-180 và RD-181 từ Nga để cung cấp năng lượng cho tên lửa Atlas V và Antares, thực hiện nhiệm vụ phóng các tàu vũ trụ phục vụ Không lực Hoa Kỳ cũng như thực hiện sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA. Nếu Nga ngừng cung cấp các động cơ nêu trên, đồng nghĩa với việc các tên lửa này phải nằm đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận