5 đặc điểm chính của hiệp định TPP và cơ hội của Việt Nam

04/02/2016, 18:35

12 nước tham gia chiếm gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân...

image.
TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. (Ảnh: Đại diện 12 nước thành viên TPP tham gia lễ ký kết hôm nay)

12 nước chiếm 40% GDP toàn cầu

11h20 hôm nay, bộ trưởng thương mại của 12 nước tham gia Lễ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra ở New Zealand.

Sau đó, 12 Bộ trưởng đã ra tuyên bố chung rằng: “Sau hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi rất vinh dự được đặt bút ký, chính thức hóa thỏa thuận chung TPP vốn được xem là thành tựu lịch sử cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nay các nước có thể tập trung để hoàn thành các thủ tục pháp lý riêng ở mỗi nước”.
12 nước tham gia chiếm gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 thị trường thương mại thế giới. Các bộ trưởng ghi nhận lợi ích của TPP đối với nhiều nước trong khu vực và cho rằng lợi ích này càng khẳng định mục tiêu chung là thông qua TPP sẽ tạo một nền tảng thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn cho sự hội nhập kinh tế rộng hơn trong tương lai.

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb đánh giá việc ký TPP - hiệp định thương mại tự do quốc tế quan trọng nhất trong hai thập kỉ qua này là một sự kiện trọng đại. TPP mang lại cơ hội chắc chắn cho các doanh nghiệp, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Australia. Ông cũng khẳng định Australia đã có đủ thời gian để nghiên cứu 6.000 trang văn bản TPP trước khi ký kết, đồng thời cho rằng việc ký TPP sẽ tiếp thêm động lực cho các cuộc đàm phán thương mại về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn tất trong năm nay.

Còn Thủ tướng New Zealand John Key nói: Chúng tôi khuyến khích các nước hoàn thành quá trình phê chuẩn trong nước càng nhanh càng tốt. TPP sẽ thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ cho hơn 800 triệu người trên khắp các nước TPP, có thể làm tăng 36% GDP toàn cầu"

5 đặc điểm chính của TPP

TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia - gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. TPP nhằm xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Sau lễ ký, các nước thành viên có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại quốc hội để TPP có hiệu lực.

Hiệp định TPP bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...

Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới:

1. Tiếp cận thị trường một cách toàn diện: TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.

2. Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết: TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước.

3. Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại: TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.

4. Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại: TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại.

5. Nền tảng cho hội nhập khu vực: TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ký kết một loạt văn bản Việt Nam - New Zealand

Nhân dịp này, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hội đồng kinh doanh ASEAN - New Zealand (ANZBC) tổ chức Diễn đàn hợp tác công thương Việt Nam - New Zealand. Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Thương mại Todd Michael McClay, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh ASEAN - New Zealand Alister Lawrence cùng đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu hai nước. 

Tại đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông báo vắn tắt tình hình phát triển kinh tế và những nỗ lực của Việt Nam những năm qua trong việc hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Bộ trưởng nhấn mạnh những cơ hội mà TPP đem lại cho Việt Nam và New Zealand khi cùng là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ. New Zealand có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như may mặc, da giầy, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thủy sản… Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn một số mặt hàng như sữa, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, kim loại, hóa chất, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và đặc biệt cho sản xuất hàng xuất khẩu dự diến sẽ tăng mạnh.

Sau các chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (hồi tháng 3/2015) và chuyến thăm của Thủ tướng John Key vào tháng 7/2015, quan hệ thương mại hai nước thời gian qua cũng tăng trưởng vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu hai nước tăng từ 295 triệu USD năm 2009 lên 707 triệu USD năm 2015.

Kết thúc Diễn đàn, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Việt Nam đã ký một văn bản hợp tác với và hai biên bản ghi nhớ với các đối tác New Zealand, cụ thể: Văn bản hợp tác với Tổ chức doanh nghiệp và thương mại New Zealand (NZTE) nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước; Bản ghi nhớ với Hội đồng kinh doanh ASEAN - New Zealand (ANBZ) nhằm khẳng định cam kết của hai bên trong việc hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; Bản ghi nhớ với Hiệp hội xuất khẩu New Zealand, theo đó hai bên sẽ hợp tác tăng cường thông tin cho các doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của mỗi nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.