Xã hội

5 định hướng chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam

27/10/2016, 08:09
image

Từ nay đến năm 2020, theo các chuyên gia, Việt Nam cần theo đuổi 5 mục tiêu quan trọng để bảo vệ môi trường.

11

Thảm họa cá chết hàng loạt do chất thải độc hại mà Formosa Hà Tĩnh thải ra ở Vũng Áng xảy ra hồi tháng 4/2016

Những con số báo động

Theo một công bố mới đây của Bộ TN&MT, mỗi năm trên cả nước, người dân dùng hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật; Phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế. Cùng đó, hiện có tới 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; Hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan.

Môi trường của Việt Nam đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Mỗi năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đáng báo động hơn, cả nước có hơn 280 khu công nghiệp với hơn 550 nghìn m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Để thực hiện được 5 mục tiêu này, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 cũng đề xuất một số giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay. Đó là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường và chấn chỉnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ…

Cùng đó, hiện Việt Nam còn có hơn 500 nghìn cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; Hơn 4.500 làng nghề; Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125 nghìn m3 nước thải y tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Còn theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Bộ TN&MT công bố cuối tháng 9 vừa qua, sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân là một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Nhiều phương tiện giao thông có chất lượng không đảm bảo (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên…) cũng làm gia tăng đáng kể nồng độ những chất ô nhiễm trong không khí. Hoạt động phát triển cảng biển như: Nạo vét luồng lạch, làm đê chắn sóng… cũng làm gia tăng mối đe dọa với môi trường.

Trong khi đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những diễn biến thiên tai bất thường cũng gia tăng những tác động tiêu cực đến môi trường nước ta. Từ năm 1994 đến năm 2010, tổng lượng phát thải nhà kính tăng hơn hai lần. Ước tính đến năm 2020 tăng hơn bốn lần và năm 2030 tăng hơn 7 lần so với năm 1994.

>>>Xem thêm video:

12
Sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân là mộttrong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị

5 định hướng chiến lược

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, môi trường Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết như: Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng. Hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng…

Còn Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 thẳng thắn chỉ ra ba thách thức lớn về môi trường của Việt Nam hiện nay và tương lai là tình trạng ô nhiễm, quản lý môi trường và biến đổi khí hậu.

Từ nay đến năm 2020, theo các chuyên gia về môi trường, nước ta cần theo đuổi 5 mục tiêu quan trọng. Đầu tiên phải quản lý và kiểm soát hiệu quả các nguồn thải trọng điểm. Thứ hai là giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm, từng bước giảm nhẹ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực trọng điểm. Thứ ba, giám sát các vấn đề về ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, ứng phó hiệu quả với diễn biến biến đổi khí hậu. Thứ tư, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Thứ năm, xác định công tác quản lý, bảo vệ môi trường quốc gia phải bám sát với xu hướng chung của thế giới, định hướng phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.