Đường bộ

5 đột phá cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư giao thông

Tổng cục Đường bộ VN vừa trình Bộ GTVT các giải pháp thực hiện hiệu quả Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điển hình thu hút nguồn lực đầu tư giao thông như Bình Định đặt ra cơ chế cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương về đầu tư phát triển đường bộ. Đây cũng chính là 1 trong 5 giải pháp đột phá vừa được Tổng cục Đường bộ VN trình Bộ GTVT nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang hình thành sau nỗ lực đầu tư, xây dựng

Trao đổi vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Cường cho hay: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Theo đó, mạng lưới cao tốc được phê duyệt có chiều dài hơn 9.000km và quốc lộ dài gần 30.000km, với tổng vốn triển khai khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước (NSNN) cân đối được khoảng 600.000 tỷ đồng, còn lại cần huy động các nguồn lực ngoài NSNN. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 5.000km.

Đến nay sau 20 năm triển khai (từ 2000), nước ta có khoảng 1.000km cao tốc, còn lại 4.000km sẽ hoàn thành trong 10 năm, cho thấy quy mô, khối lượng đầu tư rất lớn, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành GTVT và từng địa phương, đơn vị.

Để triển khai hiệu quả quy hoạch trên, Tổng cục Đường bộ đề xuất hàng loạt cơ chế chính sách đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm tài chính, hợp tác quốc tế… Đặc biệt 5 cơ chế, chính sách đột phá để thu hút vốn NSNN, vốn ngoài NSNN, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế, chính sách đột phá này.

img

Phó tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Cụ thể các đột phá về vốn NSNN sẽ triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta hay nói về “vốn mồi” của nhà nước, với các dự án PPP, “vốn mồi” NSNN này phải tham gia trên 50% tổng mức đầu tư, để tăng hiệu quả kêu gọi đầu tư nguồn ngân sách, và đảm bảo phương án tài chính khả thi cho dự án, nhà đầu tư. Muốn thế phải sửa các quy định luật hiện hành nên trong khi chờ đợi, cần có cơ chế tách các dự án PPP thành các dự án thành phần hoặc tiểu dự án. Theo đó, tùy từng dự án, vốn nhà nước sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư, hoặc 100% vốn ở những dự án có hạng mục không khả thi (đường gom, cầu)… Cách làm linh hoạt này gia tăng sức thu hút hơn với các nhà đầu tư PPP.

Bên cạnh đó, cần giải pháp căn cơ như bố trí nguồn NSNN đầu tư cho kết cấu hạ tầng đạt 3,5 - 4,5% GDP (trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Hay khi đường sá được đầu tư ở một vị trí, địa phương nào đó làm gia tăng giá trị quỹ đất ở đây thì phải ưu tiên giá trị gia tăng này để “tái đầu tư” phát triển giao thông khác….

img

Ông Nguyễn Xuân Cường (ngoài phải) trong chuyển kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị xử lý vi phạm hành lang đường bộ QL1 qua Bình Định

Cần khoảng 300.000 tỷ đồng ngoài vốn NSNN để đầu tư giao thông, nhu cầu rất lớn, cần các giải pháp đột phá để triển khai hiệu quả, xin ông chia sẻ về giải pháp này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Thực tế lâu nay việc kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, gặp nhiều khó khăn do các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn (nhiều khi không bằng tiền lãi tiết kiệm gửi ngân hàng), thấp rất nhiều so với lợi nhuận đầu tư BĐS, du lịch… Do đó, để thu hút nguồn lực ngoài NSNN cần điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận lên khoảng 15-18% tuỳ thuộc vùng, miền để thu hút nhà đầu tư.

Đồng thời có các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ được huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài hay vốn góp từ các nhà đầu tư khách trong giai đoạn xây dựng… nói chung phải đa dạng nguồn vốn cho nhà đầu tư để tăng thêm nguồn lực.

Bên cạnh đó, tính tới chính sách phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại với lãi suất thấp (3-4%) để đầu tư các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn. Sau khi hoàn thành tuyến đường, địa phương khai thác giá trị quỹ đất 2 bên tuyến và hoàn trả NSNN. Tăng cường giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền để tạo đột phá đầu tư các tuyến cao tốc…

Quảng Trị vừa được giao cơ quan có thẩm quyền triển khai cao tốc Đông Hà-Lao Bảo bằng hình thức PPP. Bình Định huy động hàng chục ngàn tỷ để phát triển đường ven biển, đường trục Đông-Tây… Điều này đặt ra vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cơ chế đột phá này triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Với giải pháp này cần tăng cường giao địa phương là cơ quan chủ quản để đầu tư các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc, để địa phương tổ chức thực hiện đầu tư sẽ khơi dậy được tính chủ động, khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong đầu tư, phát triển đường bộ cao tốc từ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, kiểm soát nguồn vật liệu, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình.

Đồng thời, quy định tỷ lệ ngân sách địa phương tham gia đầu tư đường bộ cao tốc đoạn đi qua địa phương theo tỷ lệ nhất định (các tỉnh tự chủ ngân sách theo tỷ lệ 50/50, các tỉnh còn lại theo tỷ lệ nhất định) để tạo sự chủ động, quyết liệt, đồng hành vào cuộc trong quá trình triển khai thực hiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào công tác tổ chức thực hiện của trung ương. Trường hợp địa phương chưa có kinh phí, Trung ương phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại như thế phát huy tối đa hiệu quả thu hút nguồn lực từ TW đến địa phương, từ vốn ngân sách đến ngoài NSNN…

img

Nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, đòi hỏi cấp thiết triển khai các giải pháp đột phá thu hút nguồn lực đầu tư giao thông, trong đó Bình Định nỗ lực khơi thông nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại này chưa được “Luật hóa”?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay Luật Ngân sách chưa cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, nguồn bù đắp bội chi chưa có hình thức vay lại từ trái phiếu Chính phủ và việc vay lại có thể vượt quá mức dư nợ của địa phương. Do đó, để đảm bảo triển khai các cơ chế, chính sách đột phá trên cần thêm giải pháp đột phá là hoàn thiện thể chế, chính sách này. Như ban hành Luật Đường bộ, trong đó quy định cho địa phương đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc; phân quyền địa phương quản lý hạ tầng giao thông đô thị; hay điều chỉnh Luật Ngân sách nhà nước theo hướng mở rộng phạm vi thu - chi ngân sách địa phương tạo điều kiện để địa phương có nguồn lực đầu tư, quản lý bảo trì KCHTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh….

Thực tế tiến độ triển khai dự án rất áp lực trước các quy định hiện hành về đấu thầu, mỏ vật liệu… Việc đột phá về cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Tổng cục Đường bộ đề xuất cần có cơ chế đặc thù, như Chính phủ cho phép chỉ định thầu các gói tư vấn, xây lắp, tái định cư để triển khai dự án kịp thời; hay không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực có dự án đường cao tốc đi qua… Hiện, Chính phủ ban hành Nghị quyết 133/NQ-CP (ngày 19/10/2021) về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công) với nhiều “cơ chế đặc thù”. Đây chính là những giải pháp quan trọng để tháo gỡ bất cập liên quan đầu tư giao thông, tạo đà cho các dự án triển khai sớm, hiệu quả.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.