Bà Masako Sugawara, 70 tuổi, mất chồng và 3 đứa cháu trong thảm họa 5 năm trước |
5 năm đã trôi qua kể từ khi người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản chứng kiến thảm họa động đất - sóng thần kéo theo sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trong 5 năm đó, dù nỗi đau vẫn canh cánh trong lòng, nhưng người dân các vùng bị thảm họa đã nỗ lực không ngừng để quê hương “thay da đổi thịt”.
Thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11/3/2011 đã san phẳng một loạt thành phố, thị trấn ven biển ba tỉnh Đông Bắc Nhật Bản (gồm Miyaghi, Fukushima và Iwate) làm gần 18 nghìn người thiệt mạng và mất tích, phá hủy ít nhất 332.395 ngôi nhà. Hai ngành kinh tế quan trọng của khu vực này là thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 235 tỷ USD.
Thảm kịch đi qua, nỗi đau ở lại
5 năm sau thảm kịch, nhưng nỗi đau trong lòng những người còn sống vẫn chưa thể nguôi ngoai. Một buổi sáng tháng 3, bà Masako Sugawara, 70 tuổi, một người sống sót sau thảm họa động đất và sóng thần ở Rikuzentakata, Iwate đi thăm mộ 3 đứa cháu ngoại và chồng mình như vẫn thường làm. Đặt hoa và những con thú bông lên mộ những đứa cháu, bà chia sẻ: “Con gái tôi nói đó không phải là lỗi của chúng tôi, nhưng vợ chồng tôi là người chăm sóc các cháu hàng ngày. Hôm đó, chồng tôi tới trường đón bốn đứa cháu, nhưng rồi thảm kịch xảy ra và từ ngày đó, trong lòng tôi luôn có cảm giác mình là người có lỗi”.
Trong khi đó, nhiều người vẫn không từ bỏ hy vọng tìm thấy người thân còn đang mất tích, dù là thi thể nếu đã chết. 5 năm trôi qua, anh Norio Kimura đã từ bỏ hy vọng cha, vợ và con gái 7 tuổi bị sóng thần cuốn đi vẫn còn sống. Nhưng anh trở lại khu vực ngôi nhà cũ của mình ở Okuma, Fukushima để tìm thi thể của những người thân. “Tôi muốn tìm con gái Yuna của mình. Dù còn sống hay đã chết thì con bé có thể đã được tìm thấy ở đâu đó rồi. Nhưng chừng nào chưa thấy xác con bé, thì tôi vẫn còn tiếp tục tìm kiếm”, Kimura nói.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Kimura là anh Takayuki Ueno, 43 tuổi: “Là người cha, trách nhiệm lớn nhất phải bảo vệ con cái. Tôi đã không thể làm điều đó, tôi là người cha tồi và tôi phải xin lỗi các con mình. Tôi đã có thể ôm chặt Erika và xin lỗi nó. Nhưng với Kotaro thì tôi không thể làm được điều đó. Lúc này điều tôi muốn làm là ôm lấy nó và nói rằng, hãy tha lỗi cho cha”.
Gượng dậy từ đổ nát
TP Kesennuma, tỉnh Miyagi bị sóng thần tàn phá (ảnh trái) và sau nỗ lực hồi phục (ảnh phải) |
Dù khu vực tìm kiếm vẫn có mức độ phóng xạ cao đáng kể, bị hạn chế chỉ được tìm kiếm 5 giờ mỗi ngày và phải mặc những bộ đồ bảo hộ cẩn thận, nhưng những người này chưa bao giờ bỏ cuộc.
Chứng kiến những cảnh đổ nát, tan hoang sau thảm họa, người dân nơi đây đã có lúc nghĩ rằng họ không thể gượng dậy sau những mất mát khủng khiếp này. Thế nhưng, vượt lên trên những đau thương, cùng với sự hỗ trợ trong và ngoài nước, người dân tại những vùng bị thảm họa đã từng bước khôi phục cuộc sống, đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi sinh, như thiếu nhân lực trầm trọng do số người già chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động tại các khu vực bị sóng thần, tiến độ xây dựng hệ thống đê chắn biển cao 14,7 m đang bị trì hoãn, chương trình di dân lên các vùng cao hơn và xây dựng các khu định cư vẫn chưa hoàn thành, nhưng theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tính đến nay, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng của thảm họa động đất - sóng thần đã hoạt động trở lại.
Để hỗ trợ quá trình hồi phục của các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng bị sóng thần, Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết thành từng liên doanh. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, tính đến tháng 11/2015, đã có 9.157 doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ của Chính phủ và doanh số của vùng Đông Bắc đã trở lại mức trước thảm họa.
Theo ông Masanori Yamamoto, Thị trưởng TP Miyako, tỉnh Iwate, Chương trình phục hồi với ba hạng mục chính gồm ổn định cuộc sống cho người dân, tái thiết kinh tế và tái thiết các cộng đồng an toàn cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến ngày 1/1, tổng cộng 3.501 ngôi nhà tại Miyako đã được sửa chữa và xây mới trên tổng số 4.478 ngôi nhà bị phá hủy. Toàn bộ 19 cảng cá của Miyako đã hoạt động bình thường tính đến thời điểm 31/10/2015; Chợ cá Miyako cũng đã được mở cửa trở lại, trong khi sản lượng tảo biển đạt mức 70% so với thời điểm trước khi xảy ra động đất - sóng thần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận