Một chiếc xe đạp trong ngày có thể được 10 người sử dụng, giúp giảm mật độ phương tiện trong đô thị |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Laurent Mercat - Giám đốc kiêm Chủ tịch Smoove cho biết, đến Việt Nam lần này, Smoove mong muốn gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà quản lý của Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, tham gia hoạch định ngay từ ban đầu về chính sách để có thể hình thành các dự án về xe đạp công cộng tại các thành phố lớn. “Hiện chúng tôi đang có một số dự án ở các nước lân cận, họ cũng có những điều kiện tương tự Việt Nam. Tôi thấy trung tâm Hà Nội là nơi có mật độ đi lại rất cao, ở vỉa hè xe máy xếp san sát hai, ba hàng. Tuy nhiên, lợi thế để đưa xe đạp công cộng vào sử dụng là giúp tiết kiệm được không gian công cộng, bởi vì không phải mỗi người sử dụng một chiếc xe đạp của riêng mình, mà có thể 10 người sử dụng một chiếc”, ông Laurent Mercat nói.
Smoove là tập đoàn hàng đầu về hệ thống xe đạp công cộng trên thế giới. Từ năm 2008 tới nay, đơn vị này đã lắp đặt 18 dự án trên thế giới, tổng số xe quản lý lên đến 130 nghìn chiếc. Mới nhất, ở Moscow, Smoove đã lắp đặt 250 trạm với 2.750 xe. Tháng 11/2014, dự án xe đạp công cộng cho khu đại học ở Bangkok - Thái Lan sẽ khai trương. Ở Singapore, công tác chuẩn bị đang được Smoove xúc tiến để dự án xe đạp công cộng đi vào hoạt động đầu năm 2015. |
Cũng theo ông Laurent Mercat, thông thường tại nhiều dự án xe đạp công cộng đã triển khai trên thế giới, 30 phút đầu tiên người sử dụng xe được miễn phí, miễn là trả xe trước 30 phút. 30 phút tiếp theo hoặc có thể là 60 phút, người sử dụng sẽ phải trả một khoản phí nhất định, thường chỉ là 1 euro. Tất nhiên, mức phí đó không thấp, song điều này khuyến khích người dân đi các chặng ngắn, để một chiếc xe đạp có thể quay vòng cho nhiều người sử dụng sẽ hiệu quả hơn.
“Để dự án có thể triển khai, rất cần có một nhà đầu tư hoặc đơn vị vận hành sẵn sàng trợ giá cho dự án. Họ thu lại bằng quyền được kinh doanh quảng cáo trên xe, ki ốt, xung quanh khu vực dịch vụ đó. Chính quyền sẽ giao cho một công ty, tập đoàn giao thông nào đó, vừa là nhà đầu tư vừa vận hành từ A - Z”, ông Laurent Mercat đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay chính sách của Việt Nam tại các thành phố lớn là rất rõ ràng, làm sao giảm bớt lượng xe cơ giới cá nhân, tăng tỷ lệ phương tiện công cộng, trong đó có khuyến khích sử dụng xe đạp để kết nối đầu - cuối. Vấn đề này đã được Chính phủ giao cho chính quyền 5 thành phố lớn là: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thí điểm.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận