Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân bị đột quỵ não (Ảnh minh họa)
Hỏi:
Thời tiết lạnh kéo dài khiến nhiều người già đột quỵ não. Tôi được biết, đột quỵ não vẫn có thể cứu chữa và bình phục tốt nếu phát hiện và đưa đến viện sớm. Vậy, khoảng thời gian bao lâu sau đột quỵ não là ngưỡng cho phép, thưa bác sĩ?
Trần Mạnh Hoan (Bắc Ninh)
Trả lời:
Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, do vậy điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần nhanh chóng đưa đến viện trong “khung giờ vàng”.
Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32 nghìn tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường.
Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông; hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.
Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn hơn khoảng thời gian vàng này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện dấu hiệu ban đầu của đột quỵ (méo miệng, nói khó, tê liệt 1 nửa cơ thể, không nhấc được chân, tay…) ở người thân thì cần lưu ý 5 việc phải làm sau: Lập tức gọi xe cứu thương; Phải nói “đột quỵ não” với cấp cứu 115; Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh; Hãy khuyến khích người bệnh nằm nghiêng với tư thế đầu cao nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng. Nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ; Thực hiện kỹ thuật hồi sinh tim phổi nếu người bệnh ngất.
Đồng thời, lưu ý 3 việc không nên làm, đó là: Không được cho người bệnh uống thuốc; Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì; Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận