Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo liên ngành về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế, diễn ra ngày 30/3.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cả nước hiện có 13.000 cơ sở y tế. Trong số này khoảng 60% cơ sở đã có hệ thống xử lý chất thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, 40% còn lại vẫn chưa đạt, đây là một con số rất lớn. Mục tiêu đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Muốn vậy, Bộ Y tế cho rằng cần cơ chế đặc thù về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế. Hiện, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và đang xây dựng nội dung dự thảo quyết định.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hình thức xử lý nước thải theo mô hình quản lý như hiện nay có rất nhiều bất cập: Nhà nước không đủ nguồn lực đầu tư, hoặc có khi được đầu tư rồi nhưng bệnh viện cũng không đủ nhân lực để vận hành, quản lý vận hành. “Lực lượng chức năng kiểm tra còn nhẹ nhàng cả nể chứ nếu phạt thẳng băng như doanh nghiệp thì nhiều bệnh viện phải đóng cửa”, ông Hùng nói. Để khắc phục, ông Hùng cho rằng, các bệnh viện đã được Nhà nước đầu tư thì nhất thiết phải thuê dịch vụ để vận hành, hoàn thiện vận hành; nếu chưa được đầu tư thì phải thuê toàn bộ. “Nếu để bệnh viện tự vận hành hệ thống xử lý nước thải thì không bao giờ đảm bảo chất lượng tốt bởi nhân lực không có chuyên môn, không có máy móc thiết bị để quan trắc, chưa kể bảo hành, vận hành cũng rất tốn tiền vì hỏng hóc sửa chữa lớn thì lại phải trình Bộ Y tế duyệt cấp ngân sách sửa chữa...”, ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận