Chiều 15/3, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thông tin, qua xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sán dây lợn cho các em học sinh ở Bắc Ninh đã phát hiện 44/173 trường hợp dương tính.
Tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng, 13/135 em cũng có kết luận nhiễm bệnh. Như vậy bước đầu tổng số em được phát hiện nhiễm sán lợn là 57 bé.
Đáng quan tâm, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T. Ư, các cháu vào viện hầu hết không có triệu chứng.
"Đây là bệnh không cấp tính, ký sinh trùng đa bào nên không gây triệu chứng sốt, các cháu không có biểu hiện về mặt lâm sàng, tuy nhiên nếu nhiễm trong thời gian dài dẫn tới rối loạn tiêu hóa, không phát triển thể lực. Có một số cháu bị rối loạn tiêu hóa, bệnh viện tư vấn kiểm tra và phân tích thêm. Đại bộ phận các cháu xét nghiệm hoàn toàn bình thường và đã trở về nhà", ông Kính cho biết.
Được biết, sán dây lợn có ở chó, mèo, lợn. Người ăn phải thịt lợn chưa được nấu chín, ấu trùng chui ở dưới da nổi thành cục, gọi là ấu trùng sán lợn. Ấu trùng chui lên não là ấu trùng sán não làm bệnh nhân bị động kinh.
GS Kính cũng cho biết, phác đồ điều trị diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày, tiêu diệt hết trứng trong ruột phải 2 tuần. Khoa Nhi của bệnh viện sẽ tư vấn điều trị, các cháu không cần phải nằm viện, về nhà uống thuốc trong 15 ngày sẽ tiêu diệt sạch sán. “Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, hoàn toàn chữa khỏi trong 2 tuần nên các phụ huynh phải hoàn toàn bình tĩnh. Chúng tôi khuyến khích người dân có nghi ngờ nên đến bệnh viện để xét nghiệm”, GS Kính khuyến cáo.
GS Kính cũng cho biết thêm, ký sinh trùng gây bệnh sán dây lợn nằm trong đất, nước, thực phẩm chưa được nấu chín và các cháu nhiễm từ bao giờ thì không ai biết. Tỷ lệ này tùy thuộc vào tập quán ăn uống, môi sinh ở khu vực các cháu sinh sống. Tới đây bệnh viện sẽ thông báo cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương điều tra dịch tễ học xem môi trường sinh sống, tập quán ở khu vực đó có hay không có vấn đề, đề xuất biện pháp giải quyết cho địa phương.
Hiện, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang tiếp tục xét nghiệm các mẫu còn lại.
Vụ phát hiện "nhiễm sán tập thể" xuất phát từ 3 phụ huynh đến từ huyện Thuận Thành đưa con đến Bệnh viện nhiệt đới T.Ư xét nghiệm và cho kết quả nhiễm sán dây lợn và được điều trị. Những người này đã đưa thông tin lên mạng, tạo thành làn sóng khiến các phụ huynh khác đưa con đến xét nghiệm.
Sáng 15/3, 230 cháu từ 1 đến 10 tuổi (phần lớn là từ 1-3 tuổi) ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được đưa tới xét nghiệm sán. Do quá đông, bệnh viện phải dành hội trường để tổ chức khám, lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu. Do phụ huynh phối hợp tốt với bệnh viện, nên chỉ trong buổi sáng đã lấy xong mẫu xét nghiệm.
Một số phụ huynh khác đưa con đến Viện sốt rét Ký sinh trùng và đã cho kết quả như trên.
Theo một số phụ huynh ở trường mầm non Thanh Khương, họ nghi ngờ công ty cung cấp thực phẩm cho nhà trường đã sử dụng thịt “bẩn”. Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định thịt lợn là “an toàn”. Theo các phụ huynh, công ty cung cấp thực phẩm này đã cung cấp cho 19 trường học trên địa bàn Bắc Ninh.
Về những nghi vấn của phụ huynh cho rằng do sử dụng thực phẩm không an toàn, dư luận cho rằng Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cần vào cuộc kiểm tra, xem xét về an toàn thực phẩm. Đặc biệt với việc nhiều cháu dương tính với sán dây lợn ở một xã cần phải sớm được kiểm tra dịch tễ học để tìm ra nguyên nhân.
Trước đó khoảng giữa tháng 2/2019, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương.
Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "vòng vo, không thỏa đáng". Đơn vị cung cấp thực phẩm cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành cho rằng thịt lợn "không có bất thường gì". Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận