Bác sĩ Phạm Cẩm Phương thăm khám cho bệnh nhân ung thư vú |
Ung thư vú có phải án tử?
Có mặt tại buổi sinh hoạt CLB Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc ung thư vú tại BV Bạch Mai, bà An Thị Khanh (trú tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, TP Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện hai cô con gái cùng mắc căn bệnh này. “Trong vòng 10 năm, tôi liên tiếp đón nhận hung tin cả hai cô con gái lần lượt bị chẩn đoán ung thư vú. Đáng nói là cô con gái thứ 2 cũng từng điều trị tại một bệnh viện tuyến T.Ư chuyên về K. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã lắc đầu khi cơ thể con bé không đáp ứng phẫu thuật hay xạ trị để điều trị. “Còn nước còn tát”, gia đình tôi lại quyết định đưa con đến điều trị tại BV Bạch Mai và đã thành công giành lại sự sống cho con. Và điều may mắn, đến giờ phút này, nhờ tuân thủ nghiêm giải pháp điều trị, cả 2 con gái sức khỏe đều ổn định”.
7 nhóm người có nguy cơ bị ung thư vú cao là: Những người có mẹ, con gái, chị em gái bị ung thư vú có đột biến gen BRCA 1 và BRCA 2; Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao; Phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực; Tiền sử bị ung thư trước đó ví dụ như phụ nữ đã bị ung thư một bên vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng; Phụ nữ có kinh nguyệt sớm trước tuổi 12 và mãn kinh muộn sau 55 tuổi; Phụ nữ mang thai muộn hơn 30 tuổi, không mang thai, không có con bú; Phụ nữ hút thuốc lá và béo phì. |
Cũng tại BV Bạch Mai, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Minh (56 tuổi, ở Bắc Ninh) cũng may mắn điều trị thành công nhờ tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Trước đó, bà Minh phát hiện ung thư vú từ một lần thăm khám miễn phí, sau điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa chất đã đẩy lui bệnh. Tuy nhiên, sau 2 năm, bà Minh xuất hiện dấu hiệu đau đầu, qua chụp CT, các bác sĩ chẩn đoán ung thư vú di căn lên não. Bà Minh tiếp tục nhập viện điều trị bằng phương pháp điều trị đích, miễn dịch… khối u não có kích thước 2x3cm đã “biến mất”.
Về vấn đề này, GS. TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, nhiều người cứ nhắc tới 2 từ “ung thư” sẽ nghĩ ngay tới “án tử” nhưng điều này chưa thực sự đúng. Có nhiều bệnh nhân đã bỏ lỡ cơ hội điều trị chính vì suy nghĩ này. Ung thư vú là bệnh lý ác tính hay gặp ở phụ nữ, ngày nay có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú như sàng lọc phát hiện sớm, phẫu thuật bảo tồn vú, xạ trị, hóa chất, nội tiết, sinh học... giúp làm tăng tỉ lệ điều trị khỏi và chất lượng sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ tái phát di căn sau điều trị. Các vị trí di căn hay gặp như gan, phổi, xương, hạch thượng đòn, vú đối bên, di căn não... Trong đó, ung thư vú di căn não là bệnh tiên lượng nặng. Tuy nhiên, sự phối hợp hợp lý các phương pháp điều trị vẫn có thể đem lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh.
Con số giật mình về ung thư vú
Trong 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam, ở nam giới, ung thư gan chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là các ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng. Ở nữ giới, ung thư vú chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là ung thư đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan.
Trao đổi về bệnh ung thư vú, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, căn bệnh này chiếm tỷ lệ mắc cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nữ giới. Đáng nói, đây lại là bệnh dễ chẩn đoán, có thể sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bằng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết và điều trị đích. “Điều quan trọng là phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, tỷ lệ thành công với căn bệnh này rất cao”, BS. Phương chia sẻ.
Để dự phòng bệnh ung thư vú, BS. Phương lưu ý cần phải trải qua 3 bước. Cụ thể, bước thứ nhất là giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ biết chắc chắn sẽ gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá; hạn chế ăn thực phẩm nấm mốc, các chất tăng trọng, bảo quản, thuốc trừ sâu; tiêm dự phòng vaccine. Bước thứ 2, là sàng lọc phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh. Bước 3, là biết có bệnh rồi làm thế nào để đưa ra các phương pháp điều trị tối ưu nhất với mục đích kéo dài thời gian sống.
“Để phát hiện sớm ung thư vú, phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ, nhất là đối tượng nguy cơ cao; khám đúng chuyên khoa ung bướu; kể hết cho bác sỹ các dấu hiệu bất thường qua việc lắng nghe cơ thể mình; xét nghiệm gene. Bên cạnh đó, cần tiến hành sàng lọc phát hiện sớm cho phụ nữ trên 40 tuổi. Đồng thời, lưu ý 6 dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú: Có khối u ở vú, thay đổi da trên vị trí khối u, thay đổi hình dạng núm vú, chảy dịch đầu vú, hạch nách sưng to, đau vùng vú”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận